Mua nợ xấu theo giá thị trường từ 01/7/2024 thực hiện thế nào? Nợ xấu được mua theo giá trị thị trường phải đáp ứng điều kiện gì?
Mua nợ xấu theo giá thị trường từ 01/7/2024 thực hiện thế nào?
Căn cứ tại Điều 26 Thông tư 19/2013/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 03/2024/TT-NHNN thì việc mua nợ xấu theo giá trị thị trường phải được thực hiện như sau:
(i) Căn cứ Phương án mua nợ theo giá trị thị trường đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, năng lực tài chính, hiệu quả kinh tế và điều kiện thị trường, Công ty Quản lý tài sản quyết định và chịu trách nhiệm về việc mua khoản nợ xấu theo giá trị thị trường.
(ii) Công ty Quản lý tài sản chỉ được mua khoản nợ xấu quy định tại điểm a khoản 7a Điều 3 Thông tư 19/2013/TT-NHNN được bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 09/2017/TT-NHNN được sửa đổi bởi điểm c khoản 2 Điều 1 Thông tư 03/2024/TT-NHNN theo giá trị thị trường sau khi đã thực hiện các công việc sau đây:
- Đánh giá khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 23 Thông tư 19/2013/TT-NHNN.
- Xác định giá trị thị trường của khoản nợ xấu, kể cả tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đó. Công ty Quản lý tài sản phải định giá hoặc thuê doanh nghiệp thẩm định giá xác định giá trị khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm.
- Đánh giá hiệu quả kinh tế, rủi ro và khả năng thu hồi vốn mua khoản nợ xấu.
- Phân tích, đánh giá thực trạng và triển vọng khoản nợ xấu, khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ và các điều kiện thỏa thuận mua nợ với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán nợ.
- Dự kiến các biện pháp khả thi xử lý nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
(iii) Khi thực hiện chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường, Công ty Quản lý tài sản thực hiện các công việc quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 23 Thông tư 19/2013/TT-NHNN, thỏa thuận giá mua bán khoản nợ xấu theo giá trị thị trường với tổ chức tín dụng Việt Nam, ký kết hợp đồng mua bán nợ theo giá trị thị trường và thực hiện như sau:
- Công ty Quản lý tài sản nhận lại trái phiếu đặc biệt từ tổ chức tín dụng Việt Nam và thực hiện tất toán trái phiếu đặc biệt, số dư nợ gốc của khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán; chuyển trả cho tổ chức tín dụng Việt Nam số tiền thu hồi nợ mà tổ chức tín dụng Việt Nam được hưởng theo quy định, khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay theo giá trị ghi sổ đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán đối với trường hợp một phần khoản nợ xấu đã được chuyển thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay (nếu có). Công ty Quản lý tài sản chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ của khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay cho tổ chức tín dụng Việt Nam.
- Công ty Quản lý tài sản thanh toán cho tổ chức tín dụng Việt Nam giá mua bán khoản nợ theo thỏa thuận tại hợp đồng mua bán nợ theo giá trị thị trường;
- Tổ chức tín dụng Việt Nam chuyển trả trái phiếu đặc biệt cho Công ty Quản lý tài sản và nhận thanh toán giá mua bán khoản nợ theo giá trị thị trường, khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay, số tiền thu hồi nợ theo quy định tại 02 gạch đầu dòng nêu trên của Mục (iii) và xử lý như sau:
+ Trường hợp giá mua bán khoản nợ, số tiền thu hồi nợ và giá trị của khoản vốn góp, vốn cổ phần nhận được từ Công ty Quản lý tài sản cao hơn mệnh giá trái phiếu đặc biệt, tổ chức tín dụng Việt Nam hạch toán phần chênh lệch vào thu nhập trong năm tài chính.
+ Trường hợp giá mua bán khoản nợ, số tiền thu hồi nợ và giá trị của khoản vốn góp, vốn cổ phần nhận được từ Công ty Quản lý tài sản thấp hơn mệnh giá trái phiếu đặc biệt, tổ chức tín dụng Việt Nam sử dụng dự phòng rủi ro đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt để bù đắp phần chênh lệch. Trường hợp vẫn còn thiếu, tổ chức tín dụng Việt Nam hạch toán vào chi phí kinh doanh trong kỳ theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức tín dụng Việt Nam hoàn nhập số tiền dự phòng đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt còn lại sau khi thực hiện quy định tại 02 dấu cộng trong Mục (iii) nêu trên.
(iv) Việc mua bán khoản nợ xấu theo giá trị thị trường phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản phù hợp với quy định tại Thông tư 19/2013/TT-NHNN, các quy định khác có liên quan. Trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường quy định tại khoản (iii) nêu trên, hợp đồng mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt chấm dứt kể từ thời điểm hợp đồng mua bán nợ theo giá trị thị trường có hiệu lực. Công ty Quản lý tài sản được thỏa thuận với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và chi phí xử lý.
(v) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu gốc liên quan đến khoản nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản. Trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường quy định tại khoản (iii) nêu trên, Công ty Quản lý tài sản thực hiện chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu gốc liên quan đến số tiền thu hồi nợ, khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay cho tổ chức tín dụng Việt Nam.
Mua nợ xấu theo giá thị trường từ 01/7/2024 thực hiện thế nào? Nợ xấu được mua theo giá trị thị trường phải đáp ứng điều kiện gì?
Nợ xấu được mua theo giá trị thị trường phải đáp ứng điều kiện gì?
Căn cứ tại Điều 23 Thông tư 19/2013/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 03/2024/TT-NHNN quy định điều kiện các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua theo giá trị thị trường như sau:
Điều kiện các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua theo giá trị thị trường
1. Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư này.
2. Được Công ty Quản lý tài sản đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ.
3. Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại hoặc khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ.
4. Trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường thì trái phiếu đặc biệt tương ứng với khoản nợ xấu đó còn phải đáp ứng điều kiện chưa đến hạn thanh toán và đang không bị phong tỏa tại Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, để được Công ty Quản lý tài sản mua theo giá trị thị trường thì các khoản nợ xấu phải đáp ứng điều kiện sau:
- Là khoản nợ xấu theo quy định
- Khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm;
- Khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ, trong đó phải đảm bảo tối thiểu các yêu cầu sau:
+ Hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay, hợp đồng ủy thác cấp tín dụng, hợp đồng mua bán nợ, hợp đồng mua, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng bảo đảm phải thể hiện rõ các quyền chủ nợ của tổ chức tín dụng, trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng;
+ Khoản nợ xấu chưa dùng để bảo đảm nghĩa vụ của tổ chức tín dụng;
+ Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật tại thời điểm mua, bán nợ.
Công ty Quản lý tài sản căn cứ quy định của pháp luật liên quan để xác định khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ.
- Khách hàng vay còn tồn tại;
- Giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu hoặc các khoản nợ xấu của một khách hàng vay hoặc các khoản nợ xấu của một nhóm khách hàng vay theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 19/2013/TT-NHNN vào thời điểm bán nợ không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với nhóm khách hàng vay và khách hàng vay là tổ chức; không thấp hơn 1 tỷ đồng đối với khách hàng vay là cá nhân hoặc mức khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.
- Được Công ty Quản lý tài sản đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ.
- Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại hoặc khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ.
- Trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường thì trái phiếu đặc biệt tương ứng với khoản nợ xấu đó còn phải đáp ứng điều kiện chưa đến hạn thanh toán và đang không bị phong tỏa tại Ngân hàng Nhà nước.
Tổ chức tín dụng bán khoản nợ xấu phải đáp ứng yêu cầu gì?
Căn cứ tại điểm c khoản 2 Điều 36 Thông tư 19/2013/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Thông tư 03/2024/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng bán khoản nợ xấu đó là ngân hàng thương mại đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Được góp vốn, mua cổ phần theo Giấy phép thành lập và hoạt động;
- Đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, giới hạn góp vốn, mua cổ phần theo quy định tại Điều 137 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, có giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định (khi tính toán các tỷ lệ, giá trị thực của vốn điều lệ nêu trên, phải bao gồm cả giá trị khoản vốn góp, vốn cổ phần được chuyển từ khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt) tại thời điểm có văn bản theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 36 Thông tư 19/2013/TT-NHNN;
Theo đó, điểm b khoản 2 Điều 36 Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định Công ty Quản lý tài sản có sự thống nhất của tổ chức tín dụng bán nợ bằng văn bản về việc chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay trước khi thực hiện.
- Đạt kết quả hoạt động kinh doanh có lãi theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập của năm liền kề trước năm có văn bản theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 36 Thông tư 19/2013/TT-NHNN;
- Không bị xử phạt vi phạm hành chính về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, góp vốn, mua cổ phần trong 12 tháng liền kề trước tháng có văn bản theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 36 Thông tư 19/2013/TT-NHNN;
- Có cơ cấu tổ chức, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc) theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư 03/2024/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?
- Hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu theo Thông tư 80? Tải về tài liệu hồ sơ hoàn thuế?