Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong những trường hợp nào?
Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là những ai?
Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là người đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi là người hành nghề) theo khoản 4 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
Người hành nghề theo luật này bao gồm:
- Bác sỹ;
- Y sỹ;
- Điều dưỡng;
- Hộ sinh;
- Kỹ thuật y;
- Dinh dưỡng lâm sàng;
- Cấp cứu viên ngoại viện;
- Tâm lý lâm sàng;
- Lương y;
- Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong những trường hợp nào? (Hình ảnh từ Internet)
Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có những quyền và nghĩa vụ nào?
Căn cứ mục 5, 6 Chương III Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 người hành nghề khám bệnh và chữa bệnh có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Quyền hành nghề;
- Quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh;
- Quyền được nâng cao năng lực chuyên môn;
- Quyền được bảo vệ khi xảy ra sự cố y khoa;
- Quyền được bảo đảm an toàn khi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
- Nghĩa vụ đối với người bệnh (Điều 44 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023):
+ Kịp thời sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
+ Tôn trọng các quyền của người bệnh, có thái độ ân cần, hòa nhã với người bệnh.
+ Tư vấn, cung cấp thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật này.
+ Đổi xử bình đẳng với người bệnh, không để lợi ích cá nhân hay sự phân biệt đối xử ảnh hưởng đến quyết định chuyên môn của mình.
+ Chỉ được yêu cầu người bệnh chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
- Nghĩa vụ đối với nghề nghiệp (Điều 45 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023):
+ Tuân thủ quy định về chuyên môn kỹ thuật.
+ Chịu trách nhiệm về việc khám bệnh, chữa bệnh của mình.
+ Thường xuyên học tập, cập nhật kiến thức y khoa liên tục.
+ Tận tâm trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.
+ Giữ bí mật tình trạng bệnh của người bệnh, những thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp người bệnh đồng ý chia sẻ thông tin và trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 69 của Luật này.
+ Thông báo với người có thẩm quyền về người hành nghề có hành vi lừa dối người bệnh hoặc vi phạm quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
- Nghĩa vụ đối với đồng nghiệp (Điều 46 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023):
+ Hợp tác với đồng nghiệp trong khám bệnh, chữa bệnh.
+ Tôn trọng danh dự và uy tín của đồng nghiệp.
- Nghĩa vụ đối với xã hội (Điều 47 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2013):
+ Tham gia cấp cứu, bảo vệ sức khỏe và giáo dục sức khỏe tại cộng đồng.
+ Tham gia giám sát về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề khác.
+ Chấp hành quyết định luân phiên có thời hạn của cơ quan quản lý trực tiếp; quyết định huy động, điều động của cơ quan, người có thẩm quyền về việc tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp, trừ các trường hợp sau đây:
++ Người hành nghề đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 24 tháng tuổi, trừ trường hợp người đó tự nguyện;
++ Người hành nghề thuộc nhóm nguy cơ cao đối với các bệnh dịch và trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp nào?
Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh theo Điều 40 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 trong các trường hợp sau đây:
- Tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình nhưng phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp để khám bệnh, chữa bệnh và phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được người hành nghề khác tiếp nhận hoặc chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác;
- Việc khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp;
- Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi;
- Người bệnh yêu cầu phương pháp khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật;
- Người bệnh, người đại diện của người bệnh là người thành niên và rơi vào tình trạng mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng trước đó không có văn bản thể hiện nguyện vọng hợp pháp về khám bệnh, chữa bệnh của mình, người bệnh là người chưa thành niên không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được người hành nghề tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?