Niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt là gì? Không được nhập khẩu toa tàu chở khách đã sử dụng quá 10 năm phải không?
Niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định như sau:
Niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt là khoảng thời gian được phép khai thác trên đường sắt của phương tiện, tính từ thời điểm phương tiện đóng mới được cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của tổ chức đăng kiểm hoặc chứng chỉ chất lượng của nhà sản xuất đến thời điểm phương tiện giao thông đường sắt không được phép khai thác trên đường sắt.
Ngoài ra, còn có định nghĩa về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt được phép nhập khẩu như sau, căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 65/2018/NĐ-CP:
Niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt được phép nhập khẩu là khoảng thời gian tối đa mà phương tiện giao thông đường sắt đã được khai thác, sử dụng trước khi được phép nhập khẩu.
Niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt là gì? Không được nhập khẩu toa tàu chở khách đã sử dụng quá 10 năm phải không? (Hình từ Internet)
Có phải hiện nay pháp luật quy định không được nhập khẩu toa tàu chở khách đã sử dụng quá 10 năm?
Căn cứ Điều 18 Nghị định 65/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi điểm a và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định 01/2022/NĐ-CP) hướng dẫn Luật Đường sắt, có quy định như sau:
Niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt
1. Đối với đầu máy, toa xe chở khách chạy trên chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị: Không quá 40 năm.
2. Đối với toa xe chở hàng chạy trên đường sắt chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng: Không quá 45 năm.
3. Không áp dụng quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này đối với việc thực hiện cứu hộ cứu nạn; dồn dịch trong ga, cảng, trong đề-pô, trong nội bộ nhà máy; điều chuyển giữa các ga, các đề-pô; các đầu máy hơi nước kéo đoàn tàu du lịch; toa xe mặt võng chuyên vận tải phục vụ an ninh, quốc phòng và các loại phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt
4. Đối với phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu đã qua sử dụng: Chỉ được nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng không quá 10 năm đối với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị và không quá 15 năm đối với toa xe chở hàng.
5. Thời điểm tính niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt được tính từ thời điểm phương tiện đóng mới được cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của tổ chức đăng kiểm hoặc được cấp chứng chỉ chất lượng của nhà sản xuất.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, các chủ thể không được phép nhập khẩu phương tiện giao thông đường sắt đã qua sử dụng do có năm sản xuất quá 10 năm đối với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị và không quá 15 năm đối với toa xe chở hàng.
Quy định hạn chế nhập khẩu những toa tàu đã sử dụng nêu trên xuất phát từ lý do sẽ có những ảnh hưởng, tác động đến môi trường nếu vận hành tại Việt Nam và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nghề này trong nước.
Thực tế, năm 2021 Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã xin Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu 37 toa tàu cũ của Nhật Bản. Đây là những toa tàu đã được sản xuất từ những năm 1979 - 1982, đã qua sử dụng do doanh nghiệp đường sắt Nhật Bản chuyển giao miễn phí để cải tạo, khai thác.
Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Chính phủ bác bỏ, không đồng ý nhập khẩu và khai thác 37 toa xe nêu trên. Xuất phát từ việc căn cứ vào quy định về niên hạn nêu trên thì 37 toa xe nêu trên không được phép nhập khẩu do có năm sản xuất quá 10 năm, đồng thời không được phép khai thác tại Việt Nam do đã có niên hạn sử dụng quá 40 năm.
Lộ trình thực hiện triển khai nội dung niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 19 Nghị định 65/2018/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 01/2022/NĐ-CP) có quy định về lộ trình thực hiện niên hạn của phương tiện giao thông đường sắt như sau:
Lộ trình thực hiện niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt
1. Các phương tiện hết niên hạn sử dụng trước ngày 31 tháng 12 năm 2018: Được phép hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023.
2. Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ 01 tháng 01 năm 2019 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019: Được phép hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024.
3. Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2025: Được phép hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025.
4. Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2026: Không được kéo dài thời gian hoạt động.
Như vậy, từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 quy định về niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt sẽ không còn ngoại lệ nào cho phép kéo dài thời hạn hoạt động khi hết niên hạn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?