Phụ lục hợp đồng lao động có được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động không? Phụ lục hợp đồng là gì?
Phụ lục hợp đồng lao động có được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động 2019, quy định phụ lục hợp đồng như sau:
Phụ lục hợp đồng lao động
1. Phụ lục hợp đồng lao động là bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.
2. Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.
Theo đó, phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Như vậy, phụ lục hợp đồng lao động không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Phụ lục hợp đồng lao động có được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động không? Phụ lục hợp đồng là gì? (Hình từ Internet)
Phụ lục hợp đồng là gì?
Căn cứ theo Điều 403 Bộ luật Dân sự 2015, quy định phụ lục hợp đồng như sau:
Phụ lục hợp đồng
1. Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.
2. Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.
Theo đó, phụ lục hợp đồng là bộ phận của hợp đồng để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng và nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.
Bên cạnh đó, trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp các bên chấp thuận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.
Công ty sửa đổi thời hạn của hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng lao động bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, quy định mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
…
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Sửa đổi thời hạn của hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng lao động; không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền cho người lao động theo quy định của pháp luật khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; không cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.”
Ngoài ra, căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền trên chỉ áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền cá nhân.
Theo đó, công ty có hành vi sửa đổi thời hạn của hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng lao động sẽ bị phạt tiền như sau:
- Từ 02 - 04 triệu đồng: đối với vi phạm từ 01 - 10 người lao động.
- Từ 04 - 10 triệu đồng: đối với vi phạm từ 11 - 50 người lao động.
- Từ 10 - 20 triệu đồng: đối với vi phạm từ 51 - 100 người lao động.
- Từ 20 - 30 triệu đồng: đối với vi phạm từ 101 - 300 người lao động.
- Từ 30 - 40 triệu đồng: đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kết chuyển thuế GTGT là gì? Kết chuyển thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ vào tài khoản nào?
- Phụ lục hợp đồng lao động có được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động không? Phụ lục hợp đồng là gì?
- Công ty được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi người lao động cung cấp thông tin không trung thực trong hợp đồng lao động không?
- Mẫu Phiếu thảo luận góp ý đánh giá chi bộ và đảng viên cuối năm? Khung tiêu chí đánh giá chi bộ và đảng viên là gì?
- Tải mẫu bảng tổng hợp khối lượng xây dựng mới nhất, chuẩn Thông tư 13? Yêu cầu trong xây dựng bảng tổng hợp khối lượng xây dựng?