Quy trình đấu thầu vàng miếng chi tiết nhất 2024 ra sao? Loại vàng miếng nào được giao dịch mua, bán?
Đấu thầu vàng miếng là gì? Pháp luật hiện hành có quy định đấu thầu vàng miếng là gì không?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 06/2013/TT-NHNN có quy định như sau:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Tại Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
3. “Mua, bán vàng miếng qua đấu thầu” là hình thức mua, bán trong đó Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu để xác định đối tác, giá và khối lượng vàng miếng mua, bán.
...
Hiện hành, quy định pháp luật không định nghĩa thuật ngữ đấu thầu vàng miếng là gì, tuy nhiên, dựa theo quy định trên, có thể hiểu đấu thầu vàng miếng là hình thức mua bán vàng miếng giữa Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thông qua hoạt động đấu thầu.
Đấu thầu vàng miếng là gì? Quy trình đấu thầu vàng miếng năm 2024 chi tiết nhất như thế nào? (Hình từ Internet)
Quy trình đấu thầu vàng miếng chi tiết nhất 2024 ra sao?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 06/2013/TT-NHNN (sửa đổi bởi điểm a khoản 7 Điều 2 Thông tư 12/2023/TT-NHNN) và được hướng dẫn bởi Quyết định 563/QĐ-NHNN năm 2013 quy định quy trình đấu thầu vàng miếng giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp như sau:
(1) Ngân hàng Nhà nước (Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) thông báo đấu thầu mua, bán vàng miếng:
Chậm nhất trong ngày làm việc liền kề trước ngày Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước gửi thông báo đấu thầu (theo mẫu tại Phụ lục 1) qua fax cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước theo số fax đã đăng ký.
(2) Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đặt cọc:
Chậm nhất đến 17 giờ của ngày liền kề trước ngày Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp phải chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản của Ngân hàng Nhà nước theo thông báo đấu thầu.
(3) Kiểm tra và thông báo tư cách dự thầu của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp:
- Trong thời hạn 01 (một) giờ kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu tổ chức đấu thầu, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước kiểm tra tiền đặt cọc của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trên tài khoản theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước và kiểm tra giấy tờ tùy thân của người đại diện giao dịch của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.
- Tiền đặt cọc của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp là hợp lệ để tham gia đấu thầu khi tiền đặt cọc lớn hơn hoặc bằng giá trị đặt cọc tính theo công thức: Giá trị đặt cọc = Tỷ lệ đặt cọc x Giá tham chiếu x Khối lượng vàng miếng đặt thầu tối thiểu.
- Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không đủ tư cách tham gia đấu thầu vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước trong các trường hợp sau:
+ Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đang trong thời gian bị tạm ngừng quan hệ giao dịch hoặc bị hủy quan hệ giao dịch;
+ Người đại diện của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không xuất trình giấy tờ tùy thân theo quy định;
+ Giấy tờ tùy thân không hợp lệ;
+ Người tham dự không phải là người đại diện giao dịch do tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã đăng ký;
+ Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không tuân thủ quy định về đặt cọc theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Quyết định 563/QĐ-NHNN 2013 nêu trên.
- Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thông báo bằng văn bản cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không đủ tư cách tham gia đấu thầu vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước, trong đó nêu rõ lý do.
(4) Ngân hàng Nhà nước (Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) thông báo giá mua, bán (đối với đấu thầu theo khối lượng) hoặc giá sàn và/hoặc giá trần (đối với đấu thầu theo giá);
Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thông báo cho người đại diện giao dịch của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp giá trần, giá sàn (nếu có) đối với đấu thầu theo giá, (theo mẫu tại Phụ lục 2a) hoặc giá mua, giá bán đối với đấu thầu theo khối lượng (theo mẫu tại Phụ lục 2b).
(5) Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nộp phiếu dự thầu mua, bán vàng miếng;
Chậm nhất trong thời hạn 30 (ba mươi) phút kể từ thời điểm Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thông báo giá, người đại diện giao dịch của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp điền đầy đủ các nội dung của phiếu dự thầu (theo mẫu tại Phụ lục 3a đối với đấu thầu theo giá, theo mẫu tại Phụ lục 3b đối với đấu thầu theo khối lượng) và nộp phiếu dự thầu.
Tải về mẫu phiếu dự thầu đấu thầu theo giá
Tải về mẫu phiếu dự thầu đấu thầu theo khối lượng
- Ngân hàng Nhà nước (Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) đóng thầu tại thời điểm kết thúc thời hạn nộp phiếu dự thầu. Sau thời điểm đóng thầu, Ngân hàng Nhà nước (Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) không nhận phiếu dự thầu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.
- Chậm nhất trong thời hạn 10 (mười) phút kể từ thời điểm đóng thầu, Ngân hàng Nhà nước (Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) tiến hành mở thầu.
(6) Ngân hàng Nhà nước xét thầu;
Trong thời hạn 01 (một) giờ kể từ thời điểm mở thầu, Ngân hàng Nhà nước (Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) thực hiện tổng hợp số liệu đặt thầu, xét thầu và xác định kết quả đấu thầu.
Chi tiết quy trình xét thầu xem tại Điều 9 Quyết định 563/QĐ-NHNN 2013.
(7) Ngân hàng Nhà nước thông báo hủy thầu (nếu có);
Trước thời điểm thông báo giá hoặc thông báo kết quả đấu thầu, nếu giá vàng biến động vượt quá mức biến động giá trong phương án mua, bán vàng miếng đã được phê duyệt, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước hủy thầu và thông báo cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia đấu thầu.
(8) Ngân hàng Nhà nước (Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) công bố kết quả đấu thầu;
Sau khi xác định kết quả đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước (Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) thông báo bằng văn bản:
- Kết quả tổng hợp đấu thầu (theo mẫu tại Phụ lục 4).
- Kết quả trúng thầu cho từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có phiếu dự thầu hợp lệ thông qua người đại diện giao dịch (theo mẫu tại Phụ lục 5).
- Về phiếu dự thầu không hợp lệ cho từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có phiếu dự thầu không hợp lệ thông qua người đại diện giao dịch (theo mẫu tại Phụ lục 6).
(9) Xác nhận giao dịch;
Trong thời hạn 30 phút (ba mươi phút) kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) thông báo kết quả đấu thầu, người đại diện giao dịch của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trúng thầu phải ký văn bản xác nhận giao dịch mua, bán vàng với Ngân hàng Nhà nước (Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) (theo mẫu tại Phụ lục 7).
(10) Thanh toán tiền và giao, nhận vàng miếng;
- Trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng:
+ Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ số tiền mua vàng miếng theo xác nhận giao dịch vào tài khoản thanh toán của Ngân hàng Nhà nước chậm nhất trong ngày làm việc liền kề tiếp theo ngày ký văn bản xác nhận giao dịch.
+ Vào cuối ngày ký xác nhận giao dịch và cuối ngày làm việc liền kề tiếp theo ngày ký xác nhận giao dịch, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước lập danh sách các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã thanh toán đầy đủ tiền mua vàng miếng trong ngày và thông báo bằng văn bản cho Vụ Tài chính - Kế toán, Cục Phát hành và Kho quỹ để thực hiện thủ tục giao vàng miếng cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp theo quy định sau:
+ Trong ngày làm việc liền kề tiếp theo ngày ký xác nhận giao dịch, Ngân hàng Nhà nước (Cục Phát hành và Kho quỹ) thực hiện giao vàng cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã thanh toán đầy đủ tiền mua vàng cho Ngân hàng Nhà nước trong ngày ký xác nhận giao dịch;
Trong ngày làm việc thứ hai tiếp theo kể từ ngày ký xác nhận giao dịch, Ngân hàng Nhà nước (Cục Phát hành và Kho quỹ) thực hiện giao vàng cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã thanh toán đầy đủ tiền mua vàng cho Ngân hàng Nhà nước trong ngày làm việc liền kề tiếp theo ngày ký xác nhận giao dịch.
+ Trường hợp giao vàng khác với thời hạn theo 2 trường hợp trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong thông báo mua bán vàng miếng hoặc thông báo đấu thầu.
- Trường hợp Ngân hàng Nhà nước mua vàng miếng:
+ Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp phải giao vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày ký văn bản xác nhận giao dịch.
+ Ngay sau khi kết thúc việc giao, nhận vàng miếng, Cục Phát hành và Kho quỹ thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước để thực hiện thanh toán tiền cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.
+ Ngân hàng Nhà nước (Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) thanh toán tiền cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc giao, nhận vàng miếng.
Lưu ý: Việc giao, nhận vàng miếng trong hoạt động mua, bán vàng miếng giữa Ngân hàng Nhà nước với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp thực hiện tại địa điểm theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước và theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
(11) Xử lý tiền đặt cọc.
- Ngân hàng Nhà nước không hoàn trả tiền đặt cọc và thông báo bằng văn bản cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong trường hợp tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 13, điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 15 Thông tư 06/2013/TT-NHNN.
- Trừ các trường hợp quy định nêu trên, Ngân hàng Nhà nước (Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) hoàn trả tiền đặt cọc cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp qua tài khoản do tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước theo thời hạn sau:
+ Trong ngày giao dịch đối với trường hợp Ngân hàng Nhà nước ngừng mua, bán hoặc hủy đấu thầu và trường hợp tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không được mua, bán hoặc không trúng thầu.
+ Trong ngày làm việc tiếp theo ngày giao dịch đối với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp mua vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước.
+ Trong 02 (hai) ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày giao dịch đối với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bán vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước.
Phụ lục 1, 2a, 2b 3a, 3b, 4, 5, 6, 7 ban hành kèm theo Quyết định 563/QĐ-NHNN 2013.
Loại vàng miếng nào được giao dịch mua, bán?
Căn cứ tại Điều 6 Thông tư 06/2013/TT-NHNN quy định như sau:
Loại vàng miếng được giao dịch mua, bán
Ngân hàng Nhà nước mua, bán vàng miếng hàm lượng 99,99%, loại 01 (một) lượng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất hoặc đã cho phép sản xuất trong các thời kỳ.
Như vậy, loại vàng miếng được giao dịch mua, bán là vàng miếng hàm lượng 99,99%, loại 01 (một) lượng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất hoặc đã cho phép sản xuất trong các thời kỳ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Vi phạm quy định về đối thoại tại nơi làm việc thì xử phạt hành chính thế nào? Quy định về việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc?
- Hướng dẫn vào thi https hocvalamtheobac mobiedu vn tuần 2 cuộc thi trực tuyến Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh?
- Trẻ em ngồi ghế trước ô tô có bị phạt không? Mức phạt để trẻ em ngồi ghế trước ô tô là bao nhiêu?
- Cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống có phải tuân thủ về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt không?
- Ngày 8 1 là ngày gì? Ngày 8 1 2025 dương là bao nhiêu âm? Ngày 8 tháng 1 năm 2025 là thứ mấy?