Quyền sở hữu trí tuệ là gì? Quy định về thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca từ năm 2023 ra sao?
Quyền sở hữu trí tuệ là gì? Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm những quyền gì?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, khái niệm "quyền sở hữu trí tuệ" được định nghĩa như sau:
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Theo quy định trên thì có thể hiểu quyền sở hữu trí tuệ là quyền đối với các tài sản trí tuệ của tổ chức, cá nhân.
Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:
- Quyền tác giả;
- Quyền liên quan;
- Quyền sở hữu công nghiệp;
- Quyền đối với giống cây trồng.
Trong đó, đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 như sau:
Quyền sở hữu trí tuệ | Đối tượng |
Quyền tác giả | Tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. |
Quyền liên quan | Cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá. |
Quyền sở hữu công nghiệp | Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý. |
Quyền đối với giống cây trồng | Vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch. |
Quyền sở hữu trí tuệ là gì? Quy định về thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca từ năm 2023 ra sao? (Hình từ Internet)
Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ được quy định ra sao?
Về căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019 có quy định như sau:
Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ
1. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
2. Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.
3. Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:
a) Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;
c) Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó;
d) Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.
4. Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này.
Như vậy, quyền sở hữu trí tuệ được phát sinh, xác lập dựa trên những căn cứ theo quy định nêu trên tùy thuộc vào từng nhóm quyền khác nhau.
Quy định về thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca từ năm 2023 ra sao?
Căn cứ quy định tại Điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 và khoản 3 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 về giới hạn quyền sở hữu trí tuệ như sau:
Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ
1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ theo quy định của Luật này.
2. Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và không được vi phạm quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
3. Trong trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội quy định tại Luật này, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp; việc giới hạn quyền đối với sáng chế thuộc bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, theo quy định trên thì từ năm 2023, việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca phải đảm bảo không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thông tư 50 2024 quy định ngân hàng không gửi tin nhắn SMS thư điện tử có chứa link cho khách hàng từ ngày 1 1 2025?
- Thông tư 36/2024 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe thế nào?
- Mẫu bản nhận xét đánh giá cán bộ 3 năm gần nhất? Cách viết bản nhận xét đánh giá cán bộ 3 năm gần nhất chi tiết?
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng bao gồm các thông tin nào về dự án đầu tư xây dựng?
- Đu trend nhìn lên bầu trời sẽ thấy vì tinh tú có bị xử phạt hành chính không? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?