Tác phẩm phái sinh bao gồm những gì? Tác phẩm phái sinh có được bảo hộ quyền tác giả hay không?
Tác phẩm phái sinh là gì? Tác phẩm phái sinh bao gồm những gì?
Căn cứ quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có định nghĩa về tác phẩm phái sinh như sau:
Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác.
Theo đó, có thể hiểu tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo, tạo lập dựa trên 01 hoặc nhiều tác phẩm đã có.
Căn cứ Điều 7 Nghị định 17/2023/NĐ-CP có hướng dẫn chi tiết về tác phẩm phái sinh như sau:
Tác phẩm phái sinh
Tác phẩm phái sinh quy định tại khoản 2 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có, bao gồm:
1. Tác phẩm dịch là tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của tác phẩm được dịch.
2. Tác phẩm phóng tác là tác phẩm mô phỏng theo nội dung của tác phẩm được phóng tác, có thể được chuyển từ thể loại này sang thể loại khác hoặc sửa đổi trong cùng một thể loại, bao gồm cả sửa đổi bố cục tác phẩm để làm cho tác phẩm phù hợp với điều kiện khác nhau của việc khai thác, sử dụng.
3. Tác phẩm biên soạn là tác phẩm được soạn ra từ một phần hoặc toàn bộ các tác phẩm đã có theo chủ đề nhất định và có thể có bình luận, đánh giá.
4. Tác phẩm chú giải là tác phẩm được sáng tạo từ việc làm rõ nghĩa và nội dung một số từ, câu hoặc sự kiện, điển tích, địa danh nêu tại tác phẩm được chú giải.
5. Tác phẩm tuyển chọn là tác phẩm được chọn lọc từ các tác phẩm đã có của một hoặc nhiều tác giả theo thời gian hoặc chủ đề nhất định, bao gồm cả tác phẩm tuyển tập, hợp tuyển.
6. Tác phẩm cải biên là tác phẩm được soạn lại, viết lại, chuyển soạn lại hoặc thay đổi hình thức diễn đạt khác với tác phẩm được dùng để cải biên theo mục đích, yêu cầu nhất định trong trường hợp cụ thể.
7. Tác phẩm chuyển thể là tác phẩm được chuyển từ loại hình này sang loại hình khác hoặc tác phẩm được thể hiện bằng thủ pháp nghệ thuật khác với tác phẩm được chuyển thể trong cùng một loại hình.
Như vậy, theo quy định trên thì tác phẩm phái sinh bao gồm:
- Tác phẩm dịch;
- Tác phẩm phóng tác;
- Tác phẩm biên soạn;
- Tác phẩm chú giải;
- Tác phẩm tuyển chọn;
- Tác phẩm cải biên;
- Tác phẩm chuyển thể.
Tác phẩm phái sinh bao gồm những gì? Tác phẩm phái sinh có được bảo hộ quyền tác giả hay không?
Tác phẩm phái sinh có được bảo hộ quyền tác giả hay không?
Căn cứ quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 và điểm a khoản 82 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả như sau:
Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
c) Tác phẩm báo chí;
d) Tác phẩm âm nhạc;
đ) Tác phẩm sân khấu;
e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
g) Tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng;
h) Tác phẩm nhiếp ảnh;
i) Tác phẩm kiến trúc;
k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
2. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
3. Tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
4. Chính phủ hướng dẫn cụ thể về các loại hình tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, theo quy định trên thì tác phẩm phái sinh cũng thuộc đối tượng được quyền tác giả nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Làm tác phẩm phái sinh mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả có bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả không?
Căn cứ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 66 Nghị định 17/2023/NĐ-CP như sau:
Xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả
1. Hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể thuộc một trong các dạng sau đây:
...
đ) Xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh: Tác phẩm đã có được sử dụng làm tác phẩm phái sinh mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật;
Như vậy, theo quy định nêu trên thì việc tác phẩm phái sinh mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả có thể bị xem là một trong những hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?