Tại sao phải mua bản quyền truyền hình World Cup 2022 mới có thể phát sóng các trận đấu? Xem World Cup trên web lậu có bị phạt gì không?
Tại sao phải mua bản quyền truyền hình World Cup 2022 mới có thể phát sóng các trận đấu?
Vấn đề bản quyền và mua bản quyền đang được đặt ra hiện nay xuất phát từ các quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các cá nhân, tổ chức. Bản quyền trong lĩnh vực truyền hình có thể hiểu là quyền tác giả hoặc quyền liên quan đến tác giả.
Đối chiếu với các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, vấn đề mua bán bản quyền World Cup 2022 được xem xét thực hiện theo các quy định về quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả. Cụ thể, căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định như sau:
2. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
3. Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Theo đó, hiện nay các trận đấu bóng đá của World Cup 2022 được tổ chức bởi Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA). Các trận đấu này được ghi hình lại và việc sở hữu bản ghi hình này đã xác lập quyền liên quan đến quyền tác giả đối của FIFA.
Tại Điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009) có quy định:
Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình
1. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:
a) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình;
b) Nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
2. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được hưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng.
Ngoài ra Điều 31 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có quy định về quyền của tổ chức phát sóng như sau:
Quyền của tổ chức phát sóng
1. Tổ chức phát sóng có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:
a) Phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng của mình;
b) Phân phối đến công chúng chương trình phát sóng của mình;
c) Định hình chương trình phát sóng của mình;
d) Sao chép bản định hình chương trình phát sóng của mình.
2. Tổ chức phát sóng được hưởng quyền lợi vật chất khi chương trình phát sóng của mình được ghi âm, ghi hình, phân phối đến công chúng.
Như vậy, hiện nay quyền bán bản ghi hình các trận đấu World Cup 2022, ban đầu thuộc về nhà sản xuất, phát sóng là FIFA. Tuy nhiên, hiện nay FIFA đã chuyển nhượng quyền này cho các tổ chức phân phối khác để bán lại cho các đơn vị truyền hình tại các quốc gia.
Do đó, để có thể phát sóng các trận đấu World Cup 2022, đơn vị truyền hình tại Việt Nam phải mua bản quyền phát sóng các trận đấu từ các tổ chức phân phối đã được FIFA chuyển nhượng. Việc phát sóng mà không mua bản quyền là vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, việc mua bán quyền sở hữu trí tuệ này có yếu tố nước ngoài, nên việc mua bán giữa các đơn vị còn phụ thuộc vào các quy định hiện nay của pháp luật nước ngoài.
Tại sao phải mua bản quyền truyền hình World Cup 2022 mới có thể phát sóng? Xem World Cup trên web lậu có bị phạt gì không? (Hình từ Internet)
Phát sóng lậu các trận đấu World Cup có thể bị xử phạt như thế nào?
Thực trạng trang web chứa các nội dung, video, phát sóng các chương trình, phim ảnh, trận đấu thể thao tại Việt Nam là rất phổ biến. Phát sóng lậu các trận đấu World Cup được hiểu là trình chiếu, phát sóng khi chưa mua bản quyền từ nhà sản xuất, nhà phân phối.
Về trách nhiệm hành chính, căn cứ Điều 15 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định:
Hành vi xâm phạm quyền phân phối tác phẩm
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Mức xử phạt này là đối với hành vi của cá nhân, trường hợp người vi phạm là tổ chức khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần khung phạt tiền đối với cá nhân, căn cứ khoản 2 Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP.
Về trách nhiệm hình sự, căn cứ Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định:
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự
Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.
Theo đó, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà trong trường hợp này là đối với tội danh Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 (một số khoản được sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 52 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).
Ngoài ra, các cá nhân tổ chức vi phạm còn phải chịu thêm các biện pháp dân sự theo Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 bao gồm:
Các biện pháp dân sự
Toà án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
1. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
2. Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
3. Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
4. Buộc bồi thường thiệt hại;
5. Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Xem World Cup 2022 trên web lậu có bị phạt gì không?
Hiện nay, pháp luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam chỉ quy định các biện pháp xử phạt đối với hành vi của người chủ trang web, người thực hiện hành vi phát sóng lậu.
Mà không có quy định nào xử phạt người truy cập vào các trang web này. Điều này xuất phát từ thực tiễn rất khó kiểm soát và số lượng người truy cập vào web lậu là rất lớn.
Theo đó, việc xem các trận đấu tại các web lậu không mua bản quyền World Cup 2022 có thể không bị xử phạt. Tuy nhiên, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam và quốc tế yêu cầu các cá nhân, tổ chức phải tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các cá nhân, tổ chức khác, căn cứ tại Điều 9 Luật Sở hữu trí tuệ 2005:
Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?