Thế nào là nhận biết khách hàng trong phòng chống rửa tiền? Khi nào phải nhận biết khách hàng trong phòng chống rửa tiền?
Nhận biết khách hàng trong phòng chống rửa tiền là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 9 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có quy định như sau về nhận biết khách hàng:
Nhận biết khách hàng
1. Nhận biết khách hàng bao gồm thu thập, cập nhật, xác minh thông tin quy định tại các điều 10, 11, 12, 13 và 14 của Luật này.
Theo đó, nhận biết khách hàng trong biện pháp phòng chống rửa tiền bao gồm bước sau:
Bước 1: Thu thập thông tin nhận biết khách hàng - Điều 10 Luật phòng, chống rửa tiền 2022.
Bước 2: Cập nhật thông tin nhận biết khách hàng - Điều 11 Luật phòng, chống rửa tiền 2022.
Bước 3: Xác minh thông tin nhận biết khách hàng:
- Xác minh thông tin nhận biết khách hàng - Điều 12 Luật phòng, chống rửa tiền 2022.
- Xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua việc thuê tổ chức khác - Điều 13 Luật phòng, chống rửa tiền 2022.
Ngoài ra, các chủ thể còn có thể nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba - Điều 14 Luật phòng, chống rửa tiền 2022.
Thế nào là nhận biết khách hàng trong phòng chống rửa tiền? Khi nào phải nhận biết khách hàng trong phòng chống rửa tiền? (Hình từ Internet)
Khi nào phải nhận biết khách hàng trong phòng chống rửa tiền?
Căn cứ khoản 2 Điều 9 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có quy định tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng trong các trường hợp sau đây:
- Khách hàng lần đầu mở tài khoản hoặc thiết lập quan hệ với tổ chức tài chính;
- Khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị bằng hoặc vượt mức quy định; thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử mà thiếu thông tin về tên, địa chỉ, số tài khoản của người khởi tạo hoặc mã giao dịch trong trường hợp người khởi tạo không có tài khoản;
- Nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền;
- Nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó.
Đồng thời, căn cứ khoản 3 Điều 9 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan phải nhận biết khách hàng trong các trường hợp sau đây:
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Luật phòng, chống rửa tiền 2022 phải nhận biết khách hàng khi khách hàng có giao dịch có giá trị bằng hoặc vượt mức quy định;
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Luật phòng, chống rửa tiền 2022 phải nhận biết khách hàng khi cung cấp dịch vụ kinh doanh bất động sản;
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Luật phòng, chống rửa tiền 2022 phải nhận biết khách hàng khi khách hàng có giao dịch mua, bán kim khí quý, đá quý bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt có giá trị bằng hoặc vượt mức quy định;
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề quy định tại điểm d khoản 2 Điều 4 Luật phòng, chống rửa tiền 2022 phải nhận biết khách hàng khi kinh doanh dịch vụ kế toán; thực hiện thủ tục công chứng, thay mặt khách hàng chuẩn bị các điều kiện để thực hiện giao dịch hoặc thay mặt khách hàng thực hiện giao dịch chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản khác gắn liền với đất; quản lý tiền, chứng khoán hoặc tài sản khác của khách hàng; quản lý tài khoản của khách hàng tại ngân hàng, công ty chứng khoán; điều hành, quản lý công ty; tham gia vào hoạt động mua, bán doanh nghiệp;
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 4 Luật phòng, chống rửa tiền 2022 phải nhận biết khách hàng khi cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.
Các chủ thể có thể nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba trong phòng chống rửa tiền như thế nào?
Căn cứ Điều 14 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 thì việc nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba trong phòng chống rửa tiền được quy định như sau:
- Đối tượng báo cáo có thể nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba và bảo đảm bên thứ ba đáp ứng các yêu cầu sau đây:
+ Là tổ chức tài chính hoặc tổ chức kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan có thiết lập quan hệ với khách hàng, không bao gồm các mối quan hệ đại lý và thuê ngoài;
+ Thực hiện nhận biết khách hàng theo quy định của Luật này hoặc các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính trong trường hợp bên thứ ba là tổ chức ở nước ngoài;
+ Lưu trữ và cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin nhận biết khách hàng cho đối tượng báo cáo khi được yêu cầu; thực hiện bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật;
+ Là đối tượng chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền.
- Trường hợp bên thứ ba là tổ chức tài chính và có công ty mẹ là tổ chức tài chính, đối tượng báo cáo phải bảo đảm bên thứ ba đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này và công ty mẹ của bên thứ ba đáp ứng các yêu cầu về nhận biết khách hàng, cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, lưu trữ thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo và bảo đảm bí mật thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo quy định tại các điều 9, 17, 38 và 40 của Luật này hoặc các khuyến nghị liên quan của Lực lượng đặc nhiệm tài chính trong trường hợp công ty mẹ của tổ chức tài chính là tổ chức nước ngoài và phải được áp dụng, kiểm soát trong toàn hệ thống; áp dụng các chính sách để giảm thiểu rủi ro đối với các lĩnh vực có rủi ro cao về rửa tiền.
- Đối tượng báo cáo phải chịu trách nhiệm về kết quả nhận biết khách hàng của bên thứ ba.
Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có hiệu lực từ 01/3/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử trong Đảng là mẫu nào? Tải về Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử trong Đảng?
- Mẫu biên bản ký kết thi đua dùng cho Chi bộ? Sinh hoạt chi bộ thường kỳ gồm có những nội dung gì?
- Báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng có gì khác không?
- Thời hạn cho vay nội bộ trong hợp tác xã là bao lâu? Quy định về cho vay nội bộ trong Điều lệ hợp tác xã gồm nội dung gì?
- Cách viết ý kiến nhận xét chi ủy nơi cư trú đối với đảng viên dự bị? Thời gian làm Đảng viên dự bị là bao lâu?