Thời gian khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là bao lâu? Hướng dẫn cách xác định thời gian khởi kiện mới nhất?
Thế nào là thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại?
Căn cứ theo Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu trong hoạt động dân sự được quy định như sau:
Thời hiệu
1. Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.
Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.
2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc.
Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.
Theo đó, hiện có 04 loại thời hiệu:
- Thời hiệu hưởng quyền dân sự;
- Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự;
- Thời hiệu khởi kiện;
- Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.
Về thời hiệu khởi kiện, khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
Các loại thời hiệu
…
3. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Từ những quy quy định trên, có thể hiểu thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là khoảng thời gian là bên bị thiệt hại có quyền nộp đơn khởi kiện lên Tòa án để yêu cầu bên gây ra thiệt phải bồi thường cho mình đối với các thiệt hại mà bên gây ra thiệt hại đã thực hiện.
Tuy nhiên, khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự 2015 cũng nêu rõ, khi hết thời hiệu khởi kiện thì bên bị thiệt hại sẽ mất đi quyền khởi kiện, đồng nghĩa với việc bên bị thiệt hại không thể yêu cầu Tòa án giải quyết cho vấn đề của mình.
Thời gian khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là bao lâu? Hướng dẫn cách xác định thời gian khởi kiện mới nhất? (Hình từ Internet)
Pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là bao lâu?
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị thiệt hại được xác định tại Điều 588 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Như vậy, tính từ ngày người bị thiệt hại biết hoặc phải biết mình bị thiệt hại thì thời gian để người bị thiệt hại nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm.
Cách xác định thời hiệu khởi kiện được hướng dẫn thực hiện thế nào?
Căn cứ theo Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật Dân sự 2015.
Việc xác định thời hiệu khởi kiện được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP như sau:
- Việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh trước hoặc sau ngày 01 tháng 01 năm 2017 (ngày Bộ luật Dân sự có hiệu lực) và đương sự khởi kiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đều là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm;
- Thời điểm người có quyền yêu cầu biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là khi họ nhận ra được hoặc có thể khẳng định được về việc quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm
Ví dụ: Ngày 02 tháng 7 năm 2022, A phát hiện cá trong ao nhà mình bị chết hàng loạt. A nghi ngờ nguyên nhân là do nguồn nước thải từ nhà B nên A yêu cầu cơ quan giám định về môi trường tiến hành giám định nguyên nhân.
Ngày 15 tháng 8 năm 2022, A nhận được kết quả giám định về nguyên nhân gây ra thiệt hại chính là do nguồn nước thải từ nhà B. Trường hợp này, thời điểm A biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm là ngày 15 tháng 8 năm 2022;
- Trường hợp người có quyền yêu cầu phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là trong điều kiện, hoàn cảnh bình thường, nếu có thiệt hại xảy ra thì người đó biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc trường hợp pháp luật có quy định phải biết
+ Ví dụ 1: Ngày 20 tháng 6 năm 2022, A gây thương tích cho B và cùng ngày B phải vào nhập viện điều trị thương tích. Trường hợp này, thời điểm B phải biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm là ngày 20 tháng 6 năm 2022;
+ Ví dụ 2: A giao cho B trông giữ chiếc xe ô tô của A theo hợp đồng gửi giữ tài sản. Trong thời hạn của hợp đồng, xe ô tô bị C phá hủy. Tại thời điểm xe ô tô bị thiệt hại, B không có mặt tại nơi xảy ra thiệt hại nhưng B vẫn phải biết về việc thiệt hại xảy ra. Thời điểm B phải biết là thời điểm C gây thiệt hại.
Như vậy, việc xác định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị thiệt hại được thực hiện theo nội dung hướng dẫn nêu trên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng có gì khác không?
- Thời hạn cho vay nội bộ trong hợp tác xã là bao lâu? Quy định về cho vay nội bộ trong Điều lệ hợp tác xã gồm nội dung gì?
- Cách viết ý kiến nhận xét chi ủy nơi cư trú đối với đảng viên dự bị? Thời gian làm Đảng viên dự bị là bao lâu?
- Mẫu báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền?
- Mẫu Bản khai đăng ký tên định danh dùng trong quảng cáo bằng tin nhắn, gọi điện thoại là mẫu nào? Tên định danh có bao nhiêu ký tự?