Thời gian nghỉ dưỡng sức sau sinh thường, sinh mổ năm 2023 là bao nhiêu ngày? Cách tính tiền dưỡng sức sau sinh như thế nào?
Thời gian nghỉ dưỡng sức sau sinh thường, sinh mổ là bao nhiêu ngày?
Căn cứ Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, quy định:
Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
b) Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
c) Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
3. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Như vậy, trường hợp lao động nữ sinh thường thì được nghỉ dưỡng sức 05 ngày hoặc 10 ngày tùy vào số lượng con sinh ra:
- Sinh 01 con mà sinh thường: Được nghỉ dưỡng sức tối đa 05 ngày.
- Sinh đôi trở lên mà sinh thường: Được nghỉ dưỡng sức tối đa 10 ngày.
Còn trường hợp lao động nữ sinh mổ thì ngay sau khi nghỉ hết thời gian hưởng chế độ thai sản và quay trở lại làm việc mà trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc, sức khoẻ người lao động chưa phục hồi thì người này sẽ được giải quyết nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ với thời gian như sau:
- Sinh một con mà phải sinh mổ: Nghỉ tối đa 07 ngày.
- Sinh đôi trở lên phải sinh mổ: Nghỉ tối đa 10 ngày.
Lưu ý: Thời gian nghỉ dưỡng sức sau sinh tính cả các ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết và ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ này được tính cho năm trước.
Năm 2023, Thời gian nghỉ dưỡng sức sau sinh thường, sinh mổ là bao nhiêu ngày? Cách tính tiền dưỡng sức sau sinh như thế nào?(Hình internet)
Cách tính tiền dưỡng sức sau sinh năm 2023 như thế nào?
Tiền chế độ thai sản cho lao động nữ sinh thường, sinh mổ bao gồm các khoản sau:
(1) Tiền trợ cấp 1 lần khi sinh con.
Theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con được hưởng tiền trợ cấp 1 lần như sau:
Trợ cấp một lần/con = 2 x Mức lương cơ sở |
(2) Tiền chế độ thai sản.
Căn cứ Điều 39 Luật BHXH 2014, tiền chế độ thai sản được tính như sau:
Mức hưởng= 100% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ |
(3)Tiền chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
- Theo Thông tư 59/2015/TT-BHXH, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
- Được tính theo công thức:
Tiền dưỡng sức sau sinh = 30% (x) Mức lương cơ sở (x) số ngày được phép nghỉ |
(Mức lương cơ sở 2023 áp dụng: Từ ngày 01/01 – 30/6/2023 là 1,49 triệu đồng/tháng; Từ ngày 01/7 – 31/12/2023 là 1,8 triệu đồng/tháng).
Ví dụ: Lao động nữ sinh con và nghỉ dưỡng sức sau ngày 01/7/2023, có tổng số ngày nghỉ dưỡng sức là 05 ngày, thì tiền dưỡng sức sau sinh được tính như sau:
Tiền dưỡng sức sau sinh = 5 x 30% x 1.800.000 = 2.700.000 (đồng) |
Phải làm sao để nhận tiền dướng sức sau sinh năm 2023?
Theo điểm 2.4 khoản 2 Điều 4 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019, hồ sơ để cơ quan BHXH giải quyết chế độ dưỡng sức sau sinh cho người lao động là danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe do đơn vị sử dụng lao động lập.
Như vậy, người lao động muốn nghỉ dưỡng sức sau sinh thì phải được sự đồng ý của người sử dụng lao động.
Người sử dụng lao động sẽ tiến hành lập hồ sơ hưởng chế độ cho người lao động gửi cơ quan bảo hiểm xã hội.
Công ty có phải trả lương khi người lao động nghỉ dưỡng sức sau sinh không?
Tại khoản 2 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 quy định, trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, người lao động nghỉ chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản sẽ không được công ty trả lương cho những ngày đã nghỉ.
Có thể thấy, theo Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết.
Do đó chế độ dưỡng sức sau sinh sẽ được chi trả cho những người lao động phải nghỉ làm để điều dưỡng sức khỏe. Tiền dưỡng sức này được dùng để bù đắp cho khoản thu nhập từ tiền lương khi người lao động không đi làm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 11 tháng 1 là ngày gì? Ngày 11 tháng 1 âm lịch bao nhiêu, thứ mấy? Ngày 11 tháng 1 cung gì? Có được nghỉ làm vào ngày này?
- HMPV là gì? HMPV có phải là căn nguyên virus gây viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn không?
- Lỗi sử dụng điện thoại khi đi xe máy 2025 phạt bao nhiêu tiền? Sử dụng điện thoại khi đi xe máy 2025 trừ bao nhiêu điểm?
- Toàn bộ chế độ nghỉ hưu trước tuổi năm 2025 có gì đáng chú ý? Tải Nghị định 178 nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp bộ máy?
- Có được miễn trừ khai báo hóa chất đối với hóa chất là tiền chất ma túy, tiền chất thuốc nổ hay không?