Thủ tục thành lập quỹ từ thiện được thực hiện như thế nào? Ai có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ từ thiện?
Thủ tục thành lập quỹ từ thiện năm 2023 như thế nào?
Tại Điều 17 Nghị định 93/2019/NĐ-CP có quy định về cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ như sau:
Cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ
1. Khi tiếp nhận hồ sơ về quỹ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này có trách nhiệm lập phiếu tiếp nhận hồ sơ để làm căn cứ xác định thời hạn giải quyết. Nội dung phiếu tiếp nhận hồ sơ gồm: Ngày, tháng, năm và phương thức tiếp nhận; thông tin về hồ sơ; thông tin bên gửi, bên nhận. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại Điều 15 Nghị định này thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
2. Chậm nhất sau 40 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này có trách nhiệm cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ, trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
3. Đối với quỹ được thành lập mới thì giấy phép thành lập quỹ đồng thời là giấy công nhận điều lệ quỹ.
Theo đó, thủ tục thành lập quỹ từ thiện năm 2023 như sau, sau khi tiếp nhận hồ sơ thành lập quỹ từ thiện, người có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập lập phiếu tiếp nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì phải có văn bản nêu rõ lý do trong thời hạn 05 ngày làm việc.
Nếu hồ sơ đã hợp lệ thì chậm nhất sau 40 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ từ thiện. Nếu không cấp phải nêu rõ lý do.
Hồ sơ thành lập quỹ từ thiện năm 2023 như thế nào?
Tại Điều 15 Nghị định 93/2019/NĐ-CP quy định về hồ sơ thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện như sau:
Hồ sơ thành lập quỹ
1. Hồ sơ thành lập quỹ được lập thành 01 bộ và gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này.
2. Hồ sơ thành lập quỹ, gồm:
a) Đơn đề nghị thành lập quỹ;
b) Dự thảo điều lệ quỹ;
c) Bản cam kết đóng góp tài sản thành lập quỹ của các sáng lập viên, tài liệu chứng minh tài sản đóng góp để thành lập quỹ theo quy định tại Điều 14 Nghị định này;
d) Sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp của các thành viên Ban sáng lập quỹ và các tài liệu theo quy định tại Điều 11, Điều 12 hoặc Điều 13 Nghị định này. Sáng lập viên thuộc diện quản lý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định thì có văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ;
đ) Văn bản bầu các chức danh Ban sáng lập quỹ;
e) Văn bản xác nhận nơi dự kiến đặt trụ sở của quỹ.
Thủ tục thành lập quỹ từ thiện được thực hiện như thế nào? Ai có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ từ thiện? (Hình từ Internet)
Ai có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ từ thiện?
Căn cứ Điều 18 Nghị định 93/2019/NĐ-CP quy định về thẩm quyền giải quyết các thủ tục về quỹ như sau:
Thẩm quyền giải quyết các thủ tục về quỹ
1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên quỹ; đình chỉ có thời hạn hoạt động; cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị đình chỉ có thời hạn; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ; cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; mở rộng phạm vi hoạt động và kiện toàn, chuyển đổi quỹ; thu hồi giấy phép thành lập, đối với:
a) Quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh;
b) Quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập, hoạt động trong phạm vi tỉnh.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:
a) Cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên; đình chỉ có thời hạn hoạt động; cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị đình chỉ có thời hạn; mở rộng phạm vi hoạt động và kiện toàn, chuyển đổi quỹ; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ; cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; thu hồi giấy phép thành lập đối với quỹ có phạm vi hoạt động trong tỉnh;
b) Quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập, hoạt động trong phạm vi huyện, xã.
Như vậy, theo quy định như trên Bộ trưởng Bộ Nội vụ có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ từ thiện hoạt động liên tỉnh hoặc toàn quốc và quỹ từ thiện có góp tài sản của cá nhân, tổ chức nước ngoài.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép thành lập quỹ từ thiện trong phạm vi tỉnh và quỹ từ thiện có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam.
Các trường hợp quỹ từ thiện bị thu hồi giấy phép thành lập?
Tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 93/2019/NĐ-CP quy định các trường hợp quỹ từ thiện bị thu hồi giấy phép thành lập như sau:
Thu hồi giấy phép thành lập và con dấu của quỹ
1. Quỹ bị thu hồi giấy phép thành lập trong các trường hợp:
a) Quyết định chia, sáp nhập, hợp nhất, giải thể quỹ có hiệu lực;
b) Sau khi được cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ nhưng quỹ không thực hiện đúng quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định này thì giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ hết hiệu lực. Trường hợp vì lý do khách quan mà quỹ chưa thực hiện được quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định này thì trong thời hạn 10 ngày làm việc trước khi hết thời hạn theo quy định, Ban sáng lập quỹ phải có văn bản gửi cơ quan nhà nước đã cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ đề nghị gia hạn. Thời gian gia hạn chỉ thực hiện một lần và tối đa không quá 20 ngày làm việc, nếu quá thời gian gia hạn mà quỹ vẫn không thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định này thì giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ hết hiệu lực.
Theo đó, quỹ từ thiện sẽ bị thu hồi giấy phép thành lập khi có quyết định chia, sáp nhập, hợp nhất, giải thể quỹ có hiệu lực hoặc Sau khi được cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ nhưng quỹ không thực hiện đúng quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định 93/2019/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thành phần hồ sơ trong dịch vụ thông tin tín dụng là bản sao không có chứng thực thì công ty tín dụng có trách nhiệm gì?
- Soft OTP là gì? Soft OTP có mấy loại? Soft OTP phải đáp ứng yêu cầu gì theo Thông tư 50 2024?
- Bài phát biểu của Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh tại ngày kỷ niệm thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam hay, ý nghĩa?
- Mẫu biên bản họp tổng kết Chi bộ cuối năm mới nhất? Tải về mẫu biên bản họp tổng kết Chi bộ cuối năm ở đâu?
- Danh sách 5 bộ được đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động theo phương án tinh gọn bộ máy mới nhất?