Thư viện số là gì? Số hóa tài liệu khi chưa xin phép có phải đang xâm phạm quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ?
Thư viện số là gì?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thư viện 2019 có quy định:
2. Thư viện số là thư viện hoặc bộ phận của thư viện có tài nguyên thông tin được xử lý, lưu giữ dưới dạng số mà người sử dụng thư viện truy cập, khai thác thông qua thiết bị điện tử và không gian mạng.
Hiện nay, nhiều thư viện số đã được hình thành và hoạt động. Một thư viện số có thể có các hoạt động như một thư viện thông thường hoặc là một bộ phận của thư viện truyền thống nhưng tài liệu được lưu trữ và cung cấp dưới dạng số thông qua không gian mạng.
Ngoài ra, căn cứ quy định tại Điều 31 Luật Thư viện 2019 có quy định như sau:
Phát triển thư viện số
1. Xây dựng tài nguyên thông tin số trên cơ sở thu thập tài liệu số, số hóa tài liệu của thư viện.
2. Xử lý, lưu giữ, bảo quản tài nguyên thông tin số phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin, chuyên môn, nghiệp vụ thư viện.
3. Sử dụng phần mềm tiên tiến trong quản trị thư viện số, thiết kế giao diện thông minh; bảo đảm tính mở, liên thông trong tra cứu, khai thác và chuyển đổi dữ liệu giữa các hệ thống lưu trữ dữ liệu; hỗ trợ cấp quyền truy cập, khai thác tài nguyên thông tin số cho người sử dụng thư viện.
4. Cung cấp quyền truy cập tài nguyên thông tin số và các dạng khác.
Theo đó, hiện nay việc phát triển thư viện số đang được đẩy mạnh thực hiện tại Việt Nam nhằm hiện đại hóa thư viện, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng thư viện và xây dựng cơ sở dữ liệu số.
Thư viện số là gì? Số hóa tài liệu khi chưa xin phép có phải đang xâm phạm quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ? (Hình từ Internet)
Việc số hóa tài liệu của thư viện số có xâm phạm quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ không?
Hiện nay theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ chưa có quy định nào cụ thể liên quan đến hoạt động của thư viện số đã dẫn đến một số khoảng trống về các vấn đề nguồn tài liệu số hóa nào được phép đưa lên thư viện số? Việc kiểm soát phạm vi hoạt động của thư viện số thực hiện như thế nào?
Theo đó, hoạt động của thư viện số có thể xâm phạm quyền tác giả thông qua hoạt động số hóa tài liệu lên hệ thống cho phép người dùng tải về, hay đăng tải tài liệu số hóa khi chưa có sự cho phép của tác giả. Hay các vấn đề liên quan đến việc lưu trữ tại liệu số hóa tại các đám mây dữ liệu thông qua đơn vị trung gian. Công tác giám sát người dùng không thực hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả cũng khó được chặt chẽ. Do hiện nay có nhiều phần mềm, trang web hỗ trợ việc tải tài liệu lậu về máy. Hay thậm chí có thư viện cho phép người dùng tải miễn phí dữ liệu về máy.
Tuy nhiên, tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã bổ sung quy định:
Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả
1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm bao gồm:
...
e) Sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại, bao gồm sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện để bảo quản, với điều kiện bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ; sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập; sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính, với điều kiện số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá số lượng bản sao của tác phẩm do các thư viện nói trên nắm giữ, trừ trường hợp được chủ sở hữu quyền cho phép và không áp dụng trong trường hợp tác phẩm đã được cung cấp trên thị trường dưới dạng kỹ thuật số;
Như vây, quy định mới được bổ sung đã có một số quy định về các hoạt động của thư viện số có liên quan đến các quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể theo quy định trên, các thư viện hiện nay có thể sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm, trong trường hợp:
+ Sao chép để lưu trữ (có đánh dấu sao lữu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận);
+ Sao chép hoặc truyền tác phẩm thông qua máy tính (điều kiện là số người đọc cùng thời điểm không vượt quá số lượng bản sao của tác phẩm, trừ một số trường hợp).
Tuy nhiên, đến ngày 01/01/2023 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 mới có hiệu lực. Do đó, từ thời điểm này các thư viện mới được thực hiện các hành vi liên quan đến tài liệu số hóa nêu trên.
Xử phạt hành vi sao chép lậu theo quy định hiện nay như thế nào?
Sao chép lậu tức là sao chép khi không được sự cho phép của tác giả hoặc người sở hữu quyền tác giả. Hoặc không thuộc trường hợp được phép sao chép không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền mà vẫn thực hiện.
Căn cứ Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP) quy định về việc xử phạt khi thực hiện hành vi sao chép không đúng với các quy định của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành đối với cá nhân như sau:
Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Đối với tổ chức, căn cứ khoản 2 Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định như sau:
Quy định khung phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
2. Khung phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là khung phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 5; Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 7 Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm, khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần khung phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, khung xử phạt tiền khi thực hiện hành vi sao chép không đúng với các quy định của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành đối với cá nhân là 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng. Tổ chức thì mức phạt gấp đôi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?