Thương hiệu du lịch Việt Nam và sản phẩm du lịch Việt Nam đang được định hướng phát triển như thế nào?
Thương hiệu du lịch Việt Nam đang được định vị theo hướng phát triển như thế nào?
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 1 Quyết định 440/QÐ-BVHTTDL năm 2023 thì Thương hiệu du lịch Việt Nam được định vị theo hướng như sau:
- Thương hiệu điểm đến du lịch quốc gia
+ Tiếp tục làm nổi bật giá trị cốt lõi của thương hiệu du lịch Việt Nam gắn với tiềm năng, lợi thế quốc gia, bản sắc văn hóa, ẩm thực đặc sắc, di sản lâu đời, con người nồng hậu, cảnh quan tươi đẹp, kết nối với yếu tố cảm xúc, tinh thần của khách du lịch, đảm bảo đem lại các trải nghiệm du lịch độc đáo, nguyên bản, chân thực.
+ Thương hiệu du lịch Việt Nam được hình thành trên cơ sở thương hiệu du lịch vùng, thương hiệu điểm đến địa phương, thương hiệu sản phẩm du lịch. Đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống thương hiệu.
+ Tiêu đề, biểu tượng: Tiếp tục quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam với tiêu đề và biểu tượng “Vietnam - Timeless Charm” đối với thị trường khách du lịch quốc tế và “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” đối với thị trường khách du lịch nội địa. Phát triển các tiêu đề, biểu tượng nhánh phù hợp với các thị trường mục tiêu theo từng giai đoạn.
- Thương hiệu du lịch vùng
+ Vùng Trung du miền núi phía Bắc: Gắn với giá trị đa sắc màu văn hóa dân tộc, thiên nhiên hùng vĩ và các sản phẩm đặc thù gồm du lịch thể thao mạo hiểm, chinh phục thiên nhiên; tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống cộng đồng dân tộc thiểu số; thưởng thức ẩm thực địa phương; du lịch sinh thái - trải nghiệm thiên nhiên hùng vĩ.
+ Vùng Đồng bằng sông Hồng: Gắn với giá trị văn hóa, lịch sử cổ - nơi hội tụ và lan tỏa giá trị văn hóa tinh hoa Việt Nam và các sản phẩm đặc thù gồm du lịch tham quan thắng cảnh biển; du lịch làng nghề, lễ hội; du lịch nông thôn.
+ Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: Gắn với các bãi biển cát trắng, nước trong xanh, nắng ấm quanh năm, hệ thống khu nghỉ dưỡng biển đẳng cấp quốc tế và hệ thống di sản được UNESCO công nhận và các sản phẩm đặc thù gồm du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch di sản văn hóa; du lịch sinh thái hang động.
+ Vùng Tây Nguyên: Gắn với văn hóa đa dạng của các dân tộc, cảnh quan và khí hậu cao nguyên và các sản phẩm đặc thù gồm du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc Tây Nguyên; du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng núi; du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí.
+ Vùng Đông Nam Bộ: Gắn với du lịch đô thị, du lịch MICE, ẩm thực và cảnh quan và các sản phẩm đặc thù gồm du lịch tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng; du lịch tìm hiểu di tích lịch sử - cách mạng tại khu di tích địa đạo Củ Chi; du lịch đường sông.
+ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Gắn với cảnh quan, văn hóa vùng sông nước Cửu Long và các sản phẩm đặc thù gồm du lịch sông nước; du lịch sinh thái, tìm hiểu di sản văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, vui chơi giải trí.
- Thương hiệu điểm đến địa phương: Từng địa phương phát triển thương hiệu các khu, điểm, sản phẩm du lịch dựa trên các giá trị nổi bật về văn hóa, sinh thái bản địa và các dịch vụ đặc trưng.
Thương hiệu du lịch Việt Nam và sản phẩm du lịch Việt Nam đang được định hướng phát triển như thế nào? (Hình từ Internet)
Sản phẩm du lịch Việt Nam được định hướng phát triển như thế nào?
Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 1 Quyết định 440/QÐ-BVHTTDL năm 2023 thì sản phẩm du lịch du lịch Việt Nam được định hướng phát triển như sau:
Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch theo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung tiếp thị các nhóm sản phẩm du lịch chủ yếu sau:
- Du lịch biển, đảo: Các sản phẩm có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực về nghỉ dưỡng biển, sinh thái biển và du lịch tàu biển, các trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp, có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế.
- Du lịch văn hóa: Các sản phẩm đặc trưng gắn với di sản, lễ hội, tham quan và tìm hiểu lối sống, ẩm thực; kết nối các di sản Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới; gắn kết du lịch với công nghiệp văn hóa.
- Du lịch sinh thái: Các sản phẩm dựa trên các lợi thế về tài nguyên tự nhiên, đặc biệt là tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và khu bảo tồn biển.
- Du lịch đô thị: Các sản phẩm gắn với các trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội; các đô thị trọng điểm du lịch như Hạ Long, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc, Đà Lạt, Sa Pa; gắn kết du lịch với phát triển kinh tế ban đêm.
- Các loại hình, sản phẩm du lịch mới (du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch công nghiệp; du lịch thể thao); các sản phẩm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch (du lịch MICE, du lịch giáo dục, du lịch du thuyền, du lịch làm đẹp).
Định hướng thị trường đối với khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa có gì khác nhau?
Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 1 Quyết định 440/QÐ-BVHTTDL năm 2023 thì định hướng thị trường đối với Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam là:
(1) Thị trường khách du lịch quốc tế
Giai đoạn 2022-2025, phục hồi các thị trường truyền thống; kết hợp thu hút các thị trường mới nổi: Ấn Độ, các nước Trung Đông.
Giai đoạn 2026-2030, duy trì và mở rộng quy mô các thị trường truyền thống: các nước Đông Bắc Á, Châu Âu, khu vực ASEAN, Bắc Mỹ, Nga, Châu Đại dương; tăng thị phần khách có khả năng chi tiêu cao; đa dạng hóa các thị trường hướng đến phát triển bền vững.
- Có chính sách phân đoạn thị trường, có chủ đề, thông điệp, sản phẩm riêng đối với từng phân khúc thị trường.
- Các thị trường, phân khúc thị trường ưu tiên:
+ Thị trường Đông Nam Á: Khách du lịch từ các thành phố lớn, khách du lịch công tác, khách MICE, khách tham quan, nghỉ dưỡng, khách đi theo nhóm hoặc gia đình.
+ Thị trường Đông Bắc Á: Khách du lịch công tác, khách MICE, khách tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch golf, khách gia đình, khách nghỉ hưu, nữ độc thân, nhân viên văn phòng, học sinh, sinh viên.
+ Thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ, Bắc Âu, Nga, Úc…: Khách đi theo gia đình có con cái, đi du lịch nhiều, có khả năng chi tiêu, thích khám phá, nghỉ dưỡng, khách trung niên có công việc và thu nhập ổn định; khách đi theo đôi thích khám phá, tìm hiểu văn hóa lịch sử, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; khách người cao tuổi có thời gian, thích tìm hiểu văn hóa lịch sử, nghỉ dưỡng, tham quan thắng cảnh, du lịch có trách nhiệm.
+ Các thị trường tiềm năng gồm Ấn Độ, Trung Đông, Đông Âu, Nam Mỹ: Khách trung lưu, khách chất lượng cao tiềm năng; khách tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa bản địa.
(2) Đối với thị trường khách du lịch nội địa
- Giai đoạn 2022-2025, phục hồi và giữ vững đà tăng trưởng của thị trường khách nội địa.
- Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường khách nội địa, đa dạng hóa các phân khúc thị trường mục tiêu gồm khách gia đình, thanh niên, giáo dục, khách doanh nghiệp, khách MICE. Tập trung thúc đẩy lượng khách có sử dụng dịch vụ lưu trú, khách đi du lịch vào mùa thấp điểm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quyết định 08/2024 về Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước thế nào? Toàn văn Quyết định 08/2024/QĐ-KTNN?
- Sĩ quan sử dụng máy tính quân sự để kết nối vào mạng Internet làm lộ lọt thông tin thì xử lý như thế nào?
- Chế độ báo cáo của đơn vị cung cấp dịch vụ Online Banking từ 1 1 2025 theo Thông tư 50 2024?
- Lời cảm ơn cuối năm dành cho khách hàng, đối tác ngắn gọn, ý nghĩa? Để đạt được sự thỏa mãn của khách hàng, trước tiên cần làm gì?
- Bài tham luận về Hội Cựu chiến binh ngắn gọn 2024? Bài tham luận của chi hội Cựu chiến binh năm 2024?