Tòa án có được tự ra quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình hay không?
- Tòa án có tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình hay không?
- Tòa án sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình khi nào?
- Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình phải đảm bảo những nội dung gì?
Tòa án có tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình hay không?
Hiện hành, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 không có quy định về trường hợp tòa án có thể tự mình ra quyết định mà không cần ý kiến đề nghị của nạn nhân, khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, mới nhất tại Điều 55 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 đã sửa đổi Điều 135 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thành:
Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 14 Điều 114 của Bộ luật này trong trường hợp đương sự không yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Theo đó, quy định mới ban hành này cho phép Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các trường hợp:
- Giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.
- Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.
- Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
- Tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động.
- Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình.
Như vậy, biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình đã được Luật mới bổ sung vào những trường hợp mà Tòa án tự mình ra quyết định trong trường hợp đương sự không yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Tòa án có được tự ra quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình hay không? (Hình từ Internet)
Tòa án sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình khi nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 thì Toà án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc khi có đủ 3 điều kiện sau đây:
- Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;
- Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe doạ tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình;
- Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.
Tuy nhiên, mới nhất tại khoản 1 Điều 26 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có quy định Toà án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc khi có đủ 2 điều kiện sau đây:
- Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình;
- Có đơn yêu cầu của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Theo đó, điều kiện về nơi ở khác nhau đã không còn được giữ lại trong Luật mới. Và thời gian tới khi áp dụng biện pháp này các chủ thể chỉ cần đảm bảo thỏa mãn hai điều kiện nêu trên.
Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình phải đảm bảo những nội dung gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình phải làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền.
Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình phải có các nội dung chính sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tóm tắt nội dung tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
- Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.
Tùy theo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu phải cung cấp cho Tòa án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thuế có phải là một khoản nộp bắt buộc? Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc nộp tiền thuế là gì?
- Hợp tác xã có phải đối tượng được Nhà nước hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hay không?
- Hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được xây dựng để làm gì? Thông tin trong hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được điều chỉnh khi nào?
- Viên chức lý lịch tư pháp hạng I, hạng II, hạng III có nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ thế nào?
- Mã số thông tin của công trình xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng được khởi tạo khi nào?