Trẻ em có được giảm giá vé khi đi tàu lửa không? Trường hợp hành khách bị nhỡ tàu lửa được xử lý như thế nào?
Trẻ em có được giảm giá vé khi đi tàu lửa không?
Căn cứ Điều 23 Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định những đối tượng được giảm giá vé bao gồm:
- Người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945.
- Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
- Thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh.
- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
- Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng.
- Người cao tuổi.
- Các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, hiện nay pháp luật không quy định chính sách giảm giá vé đối với trẻ em khi đi tàu lửa.
Tuy nhiên, căn cứ Điều 25 Nghị định 65/2018/NĐ-CP có quy định sau đây:
Các quy định khác về miễn, giảm giá vé
1. Căn cứ điều kiện và thời gian cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có thể mở rộng đối tượng được miễn, giảm giá vé đối với trẻ em tùy theo độ tuổi và cho các đối tượng hành khách khác; mức giảm giá vé theo quy định của doanh nghiệp.
2. Trường hợp đối tượng chính sách xã hội đi tàu được hưởng từ 02 chế độ giảm giá vé trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ giảm giá vé cao nhất.
3. Người được miễn, giảm giá vé tàu phải xuất trình giấy chứng nhận thuộc đối tượng quy định cùng giấy tờ tùy thân khi mua vé và khi đi tàu.
Như vậy, việc giảm giá vé tàu lửa đối với trẻ em được khuyến khích thực hiện, và nội dung chương trình miễn giảm này phụ thuộc vào quyết định của các đơn vị kinh doanh vận tải.
Trẻ em có được giảm giá vé khi đi tàu lửa không? Trường hợp hành khách bị nhỡ tàu lửa được xử lý như thế nào? (Hình từ Internet)
Mức giảm giá vé tàu lửa đối với từng nhóm đối tượng chính sách xã hội được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 24 Nghị định 65/2018/NĐ-CP có quy định về miễn, giảm giá vé như sau:
Miễn, giảm giá vé cho từng đối tượng chính sách xã hội
1. Giảm giá vé áp dụng cho các đối tượng sau:
a) Mức giảm 90% giá vé áp dụng cho người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng;
b) Mức giảm 30% giá vé áp dụng cho các đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; nạn nhân chất độc hóa học;
c) Giảm giá vé cho đối tượng là người khuyết tật đặc biệt nặng; người khuyết tật nặng; người cao tuổi thực hiện theo quy định của pháp luật về người khuyết tật và người cao tuổi.
2. Việc giảm giá vé quy định tại Khoản 1 Điều này được áp dụng theo giá vé bán thực tế của loại chỗ, loại tàu mà đối tượng sử dụng.
3. Việc miễn, giảm giá vé cho các đối tượng chính sách xã hội quy định tại Điều 23 khi đi tàu khách liên vận quốc tế được thực hiện theo các quy định của Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Mức miễn, giảm giá vé cho các đối tượng chính sách xã hội quy định tại Khoản 7 Điều 23 thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trong đó, đối với người cao tuổi, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư 71/2011/TT-BGTVT quy định mức giảm giá vé tàu lửa đối với người cao tuổi khi đi lại bằng tàu hỏa là được giảm ít nhất 15% giá vé, giá dịch vụ khi sử dụng các dịch vụ: bốc xếp hành lý, mua vé qua điện thoại, đưa vé đến tận nhà;
Còn đối với người khuyết tật, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 12 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định mức giảm giá vé tàu lửa là 25%.
Trường hợp hành khách bị nhỡ tàu lửa được xử lý như thế nào?
Căn cứ Điều 23 Thông tư 09/2018/TT-BGTVT có nội dung như sau:
Hành khách bị nhỡ tàu
1. Hành khách bị nhỡ tàu không do lỗi của doanh nghiệp thì vé không còn giá trị sử dụng. Doanh nghiệp quy định cụ thể các trường hợp nhỡ tàu do nguyên nhân khách quan và các biện pháp giải quyết để hỗ trợ hành khách.
2. Hành khách bị nhỡ tàu do lỗi của doanh nghiệp thì giải quyết như sau:
a) Đại diện của doanh nghiệp xác nhận bố trí để hành khách đi chuyến tàu sớm nhất có quy định dừng ở ga đến ghi trên vé của hành khách. Trường hợp doanh nghiệp bố trí loại chỗ có hạng thấp hơn loại chỗ ghi trên vé của hành khách thì doanh nghiệp có trách nhiệm trả lại tiền chênh lệch giữa tiền ghi trên vé của hành khách và tiền của loại chỗ thực tế trên tàu mà doanh nghiệp bố trí cho hành khách. Trường hợp doanh nghiệp bố trí chỗ có hạng cao hơn loại chỗ ghi trên vé của hành khách thì hành khách không phải trả thêm tiền;
b) Hành khách có quyền yêu cầu đổi vé đi vào ngày khác cùng loại tàu tương đương với vé đã mua và chỉ được thay đổi một lần;
c) Trường hợp hành khách không tiếp tục chờ đi tàu, doanh nghiệp phải trả toàn bộ tiền vé (nếu nhỡ tàu ở ga đi) hoặc tiền vé trên đoạn đường chưa đi (nếu nhỡ tàu ở ga dọc đường);
d) Doanh nghiệp quy định việc hỗ trợ hành khách như ăn, uống, ngủ, nghỉ trong thời gian hành khách chờ đi tàu.
Như vậy, còn tùy thuộc vào việc hành khách bị nhỡ tàu do lỗi của doanh nghiệp vận tải đường sắt hay không. Trường hợp do lỗi của bên doanh nghiệp vận tải thì tùy vào nhu cầu của hành khách mà có thể sắp xếp chuyến tiếp theo hoặc chuyến vào ngày khác hoặc hoàn trả toàn bộ tiền vé nếu không còn nhu cầu di chuyển.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống có phải tuân thủ về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt không?
- Ngày 8 1 là ngày gì? Ngày 8 1 2025 dương là bao nhiêu âm? Ngày 8 tháng 1 năm 2025 là thứ mấy?
- Bài tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam 9 1 2025? Bài tuyên truyền ngày học sinh sinh viên?
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?