Trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra hành chính theo Luật Thanh tra 2022 được thực hiện như thế nào?
Thanh tra hành chính là gì? Cơ quan nào thực hiện thanh tra hành chính?
Luật Thanh tra 2022 được ban hành bởi Quốc hội ngày 14/11/2022 với những nội dung quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 2 Luật Thanh tra 2022, khái niệm thanh tra hành chính được định nghĩa như sau:
Giải thích từ ngữ
...
2. Thanh tra hành chính là thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo nội dung tại khoản 1 Điều 9 Luật Thanh tra 2022, khoản 2 Điều 9 Luật Thanh tra 2022, khoản 3 Điều 9 Luật Thanh tra 2022 và khoản 4 Điều 9 Luật Thanh tra 2022, cơ quan thực hiện thanh tra hành chính bao gồm:
Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra
1. Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm:
a) Thanh tra Chính phủ;
b) Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra tỉnh);
c) Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra huyện);
d) Cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.
2. Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực bao gồm:
a) Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Thanh tra Bộ);
b) Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương (sau đây gọi chung là Thanh tra Tổng cục, Cục);
c) Thanh tra sở.
3. Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ.
4. Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ.
Như vậy, thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền để thanh tra cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về:
- Thực hiện chính sách;
- Thực hiện pháp luật;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra hành chính theo Luật Thanh tra 2022 được thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)
Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính gồm những bước nào?
Trình tự, thủ tục trong một cuộc thanh tra hành chính được chia thành 03 giai đoạn:
- Chuẩn bị thanh tra;
- Tiến hành thanh tra;
- Kết thúc thanh tra.
Theo đó, các nội dung cụ thể ở từng giai đoạn trong thanh tra được quy định tại Điều 49 Luật Thanh tra 2022 như sau:
Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính
1. Chuẩn bị thanh tra, bao gồm các bước sau đây:
a) Thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra;
b) Ban hành quyết định thanh tra;
c) Xây dựng và gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo;
d) Thông báo về việc công bố quyết định thanh tra.
2. Tiến hành thanh tra trực tiếp, bao gồm các bước sau đây:
a) Công bố quyết định thanh tra;
b) Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra;
c) Kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu;
d) Kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp.
3. Kết thúc cuộc thanh tra, bao gồm các bước sau đây:
a) Báo cáo kết quả thanh tra;
b) Xây dựng dự thảo kết luận thanh tra;
c) Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra;
d) Ban hành kết luận thanh tra;
đ) Công khai kết luận thanh tra.
Như vậy, quá trình chuẩn bị, tiến hành và kết thúc cuộc thanh tra hành chính được thực hiện theo các bước nêu trên.
Đoàn thanh tra hành chính bao gồm những ai? Trưởng Đoàn thanh tra có nhiệm vụ gì?
Theo nội dung tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 86/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thanh tra 2010, Đoàn thanh tra hành chính được thành lập để tiến hành cuộc thanh tra theo phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ, thời hạn ghi trong quyết định thanh tra.
Trong đó, Đoàn thanh tra hành chính bao gồm:
- Trưởng đoàn thanh tra;
- Phó Trưởng đoàn Thanh tra (trong trường hợp cần thiết);
- Các thành viên Đoàn thanh tra.
Về nhiệm vụ của Trưởng Đoàn thanh tra, theo khoản 3 Điều 52 Luật Thanh tra 2022, Trưởng Đoàn thanh tra có những nhiệm vụ sau:
- Tổ chức, chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng phạm vi, nội dung, tiến độ thanh tra theo quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra;
- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra;
- Chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra về hoạt động của Đoàn thanh tra.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 86/2011/NĐ-CP có đề cập, trong quá trình tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra được sử dụng dấu của cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra khi ban hành những văn bản để áp dụng các biện pháp thực hiện quyền thanh tra.
Luật Thanh tra 2022 có hiệu lực khi nào?
Căn cứ quy định tại theo Điều 117 Luật Thanh tra 2022 về hiệu lực thi hành như sau:
Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.
2. Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Theo đó, Luật Thanh tra 2022 sẽ chính thức được áp dụng kể từ ngày 01/07/2023. Thay thế Luật Thanh tra 2010 hiện hành.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lỗi nghe điện thoại khi lái xe ô tô 2025 phạt bao nhiêu tiền? Nghe điện thoại khi lái xe ô tô 2025 bị trừ bao nhiêu điểm?
- Đáp án bảng C tuần 2 cuộc thi trực tuyến tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh ra sao?
- Hoàn thành nhiệm vụ có được thưởng theo Nghị định 73? Nếu có thì được thưởng bao nhiêu theo Nghị định 73?
- Chất là gì? Lượng là gì? Ví dụ về chất, lượng? Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên nguyên tắc gì?
- Bài phát biểu ngày truyền thống học sinh sinh viên 9 1 2025 hay ý nghĩa? Hội Sinh viên Việt Nam là gì?