Trường hợp nào tiến hành thành lập thanh tra sở? Thanh tra sở có nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào?
Thanh tra sở là gì? Thanh tra sở có những chức năng nào?
Căn cứ theo Điều 9 Luật Thanh tra 2022 về các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra như sau:
Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra
1. Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm:
a) Thanh tra Chính phủ;
b) Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra tỉnh);
c) Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra huyện);
d) Cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.
2. Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực bao gồm:
a) Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Thanh tra Bộ);
b) Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương (sau đây gọi chung là Thanh tra Tổng cục, Cục);
c) Thanh tra sở.
3. Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ.
4. Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ.
5. Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Tại khoản 1 Điều 26 Luật Thanh tra 2022 và khoản 2 Điều 26 Luật Thanh tra 2022 có quy định về Thanh tra Sở như sau:
Vị trí, chức năng của Thanh tra sở
1. Thanh tra sở là cơ quan của sở, thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
...
4. Thanh tra sở chịu sự chỉ đạo, điều hành của Giám đốc sở; chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh; chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ.
Từ những quy định trên, có thể kết luận: Thanh tra sở là cơ quan thực hiện chức năng thanh tra thuộc sở, chịu sự chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của Giám đốc sở, Thanh tra tỉnh và Thanh tra Bộ.
Thanh tra sở có các chức năng sau:
- Thanh tra trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước;
- Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo;
- Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Trường hợp nào tiến hành thành lập thanh tra sở? Thanh tra sở có nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào (Hình từ Internet)
Thanh tra sở bao gồm những ai?
Điều 29 Luật Thanh tra 2022 có quy định như sau:
Tổ chức của Thanh tra sở
1. Thanh tra sở có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức khác.
Chánh Thanh tra sở do Giám đốc sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái sau khi tham khảo ý kiến của Chánh Thanh tra tỉnh.
2. Tổ chức của Thanh tra sở được thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo đó, Thanh tra sở bao gồm:
- Chánh Thanh tra;
- Phó Chánh Thanh tra;
- Thanh tra viên;
- Công chức.
Thanh Tra sở được thành lập trong những trường hợp nào?
Tại khoản 2 Điều 26 Luật Thanh tra 2022 có quy định các trường hợp thành lập Thanh tra sở như sau:
- Theo quy định của luật;
- Tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ;
- Tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.
Như vậy, Thanh tra sở được thành lập theo 01 trong 03 trường hợp trên.
Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 26 Luật Thanh tra 2022, đối với những sở không thành lập cơ quan thanh tra, Giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thanh tra sở có nhiệm vụ và quyền hạn ra sao?
Căn cứ vào Điều 27 Luật Thanh tra 2022, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra sở có thể được liệt kê như sau:
- Trong lĩnh vực thanh tra, Thanh tra sở giúp Giám đốc sở tiến hành thanh tra và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Thanh tra sở, báo cáo Giám đốc sở xem xét, quyết định trước khi gửi Thanh tra tỉnh tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của tỉnh;
+ Tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra của Thanh tra sở trong kế hoạch thanh tra của tỉnh; thanh tra hành chính đối với đơn vị, cá nhân thuộc sở; thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước;
+ Thanh tra vụ việc khác do Giám đốc sở giao;
+ Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra sở và quyết định xử lý về thanh tra của Giám đốc sở;
+ Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra.
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Thanh tra sở sẽ thực hiện những chức năng, nhiệm vụ nêu trên.
Luật Thanh tra 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chậm thực hiện nghĩa vụ là gì? Lãi suất phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền được xác định như thế nào?
- Mẫu phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng từ 1/1/2025 theo Thông tư 52/2024?
- Trái phiếu chính quyền địa phương có mệnh giá bao nhiêu? Lãi suất mua lại trái phiếu chính quyền địa phương do cơ quan nào quyết định?
- Ngày 6 tháng 12 là ngày gì? Ngày 6 tháng 12 là ngày mấy âm lịch? Ngày 6 tháng 12 là thứ mấy?
- Mẫu số 02 TNĐB Biên bản vụ việc khi giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông ra sao?