Từ 2025, vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tới 20 triệu đồng đúng không? Xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ ra sao?
Từ 2025, vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tới 20 triệu đồng đúng không?
Xem thêm: Danh sách 26 mức xử phạt vi phạm giao thông 2025 tăng mạnh?
Ngày 26/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe.
Theo đó, chi tiết mức xử phạt đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ, đèn vàng) như sau:
Đối với xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô: Tại điểm b khoản 9 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ, đèn vàng).
Cạnh đó, tại điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 22.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông gây tai nạn giao thông.
Ngoài việc bị phạt tiền theo quy định như đã nêu trên, người điều khiển xe còn bị trừ 04 điểm giấy phép lái xe theo quy định tại điểm b khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Trường hợp gây tại nạn thì bị trừ 10 điểm.
Đối với xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:
Tại điểm c khoản 7 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ, đèn vàng).
Cạnh đó, tại điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP cũng có quy định trường hợp không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị trừ 04 điểm giấy phép lái xe, trường hợp gây tai nạn thì bị trừ 10 điểm.
Đối với xe máy chuyên dùng: Tại điểm c khoản 7 Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm. Trường hợp gây tai nạn còn bị phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng.
Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy người điều khiển xe thô sơ khác: Phạt tiền từ 150.000 đến 250.000 đồng đối với trường hợp vi phạm theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 9 Nghị định 168/2024/NĐ-CP
Như vậy, kể từ 2025, trường hợp người điều kiển xe ô tô có hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ, đèn vàng) thì có thể bị phạt tiền lên đến 20 triệu đồng, trường hợp vượt đèn đỏ, đèn vàng gây tai nạn còn có thể bị phạt tiền lên đến 22 triệu đồng.
Tải Trọn bộ quy định xử phạt vi phạm an toàn giao thông năm 2025
Từ 2025, vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tới 20 triệu đồng đúng không? Xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ ra sao? (Hình từ internet)
Xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ ra sao?
Căn cứ tại Điều 10 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
- Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định; đi qua đường không có tín hiệu bằng tay theo quy định;
+ Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định 168/2024/NĐ-CP;
+ Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc;
+ Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;
+ Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
Việc chấp hành báo hiệu đường bộ được quy định thế nào?
Căn cứ tại Điều 11 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về chấp hành báo hiệu đường bộ như sau:
- Báo hiệu đường bộ bao gồm: hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; đèn tín hiệu giao thông; biển báo hiệu đường bộ; vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường; cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H; thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.
- Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới như sau:
+ Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
+ Tín hiệu đèn giao thông;
+ Biển báo hiệu đường bộ;
+ Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường;
+ Cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H;
+ Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.
- Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông được quy định như sau:
+ Tay bên phải giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ ở tất cả các hướng phải dừng lại;
+ Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ ở phía trước và ở phía sau người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông đường bộ ở phía bên phải và bên trái người điều khiển giao thông được đi;
+ Tay bên phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ ở phía sau và bên phải người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông đường bộ ở phía trước người điều khiển giao thông được rẽ phải; người tham gia giao thông đường bộ ở phía bên trái người điều khiển giao thông được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phải đi sau lưng người điều khiển giao thông.
- Tín hiệu đèn giao thông có 03 màu, gồm: màu xanh, màu vàng, màu đỏ; có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian. Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành như sau:
+ Tín hiệu đèn màu xanh là được đi; trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường;
+ Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp; trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác;
+ Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi.
- Báo hiệu của biển báo hiệu đường bộ được quy định như sau:
+ Biển báo cấm để biểu thị các điều cấm;
+ Biển báo nguy hiểm để cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra;
+ Biển hiệu lệnh để báo hiệu lệnh phải thi hành;
+ Biển chỉ dẫn để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết;
+ Biển phụ để thuyết minh bổ sung cho biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn.
- Vạch kẻ đường là vạch chỉ sự phân chia làn đường, vị trí hoặc hướng đi, vị trí dừng lại.
- Cọc tiêu, tường bảo vệ để hướng dẫn cho người tham gia giao thông đường bộ biết phạm vi an toàn của nền đường và hướng đi của đường.
- Rào chắn để ngăn không cho người, phương tiện qua lại.
- Đinh phản quang, tiêu phản quang để thông tin, cảnh báo về phần đường, làn đường.
- Cột Km, cọc H để báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ về các thông tin của đường bộ.
- Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ để hỗ trợ cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông đường bộ.
- Khi ở một vị trí vừa có biển báo hiệu đặt cố định vừa có biển báo hiệu tạm thời mà hai biển có ý nghĩa khác nhau, người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu tạm thời.
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, trừ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
- Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết khoản 3 Điều 11 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, trừ trường hợp sau:
- Khoản 3 Điều 10 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.
- Luật Giao thông đường bộ 2008 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 5 và 6 Điều 89 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
*Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?
- Hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu theo Thông tư 80? Tải về tài liệu hồ sơ hoàn thuế?