Tự ý xây nhà trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không bị xử phạt bao nhiêu?
Tự ý xây nhà trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không bị xử phạt bao nhiêu?
Căn cứ khoản 3 Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 18 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP) có quy định như sau:
Vi phạm quy định về an toàn điện
...
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sử dụng bất kỳ bộ phận nào của lưới điện vào mục đích khác khi chưa có thỏa thuận với đơn vị quản lý vận hành lưới điện;
b) Đổ, đắp, sắp xếp nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị dưới dây dẫn điện của đường dây dẫn điện trên không và để khoảng cách từ dây dẫn điện đến nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị nhỏ hơn khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp;
c) Sử dụng bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không vào mục đích khác vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp;
d) Xây dựng hoặc cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không khi chưa có thỏa thuận hoặc không thực hiện đúng các thỏa thuận để bảo đảm an toàn trong quá trình xây dựng, cải tạo nhà ở, công trình với đơn vị quản lý vận hành đường dây;
...
Xây nhà trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không mà chưa có thỏa thuận hoặc không thực hiện đúng các thỏa thuận để bảo đảm an toàn trong quá trình xây dựng, thì bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Lưu ý. mức xử phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Trường hợp tổ chức vi phạm thì sẽ bị phạt gấp đôi.
Tự ý xây nhà trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không bị xử phạt bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Tự ý xây nhà trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện có phải bị dỡ bỏ hay không?
Căn cứ khoản 9 Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 18 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP) có quy định như sau:
Vi phạm quy định về an toàn điện
...
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với các hành vi quy định tại điểm b và điểm c khoản 2; khoản 3; điểm c và điểm d khoản 4; điểm a, điểm c, điểm d và điểm i khoản 5; điểm c khoản 6 và khoản 7 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là khoản lợi đối tượng vi phạm có được từ hoạt động kiểm định để sung vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ và điểm e khoản 6 Điều này.
Theo đó, đối với hành vi tự ý xây nhà trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không được quy định tại điểm d khoản 3 Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 18 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP) thì người có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với chủ thể vi phạm.
Theo đó, nhà trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện có thể phải bị dỡ bỏ.
Tự ý xây nhà trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có bị đi tù hay không?
Về trách nhiệm hình sự, căn cứ Điều 314 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bởi khoản 116 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) có quy định như sau:
Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện lực
1. Người nào cho phép xây nhà, công trình hoặc tự ý xây nhà, công trình trong phạm vi hành lang an toàn của công trình điện lực; gây nổ, gây cháy, đốt rừng làm nương rẫy, trồng cây, làm đổ cây ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình điện lực; đào hố, đóng cọc, xây nhà trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm; thả neo tàu, thuyền trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm đặt ở lòng sông, lòng biển đã có thông báo hoặc biển báo; lắp các thiết bị điện hoặc thi công đường điện không bảo đảm an toàn hoặc các hành vi khác gây mất an toàn vận hành công trình điện lực theo quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
...
Theo đó, hành vi tự ý xây nhà trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không thuộc nhóm hành vi tự ý xây nhà, công trình trong phạm vi hành lang an toàn của công trình điện lực. Và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác theo quy định nêu trên và thỏa mãn các cấu thành khác của tội phạm này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư kết thúc nhiệm kỳ khi nào? Luật sư tham gia Ban Chủ nhiệm phải có kinh nghiệm thế nào?
- Doanh nghiệp phá sản phải ưu tiên thanh toán những khoản nào cho người lao động theo quy định?
- Mẫu quyết định miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần mới nhất? Tải về mẫu quyết định?
- Từ 10/01/2025, thời hạn xóa đăng ký tạm trú là bao lâu? Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú gồm những gì?
- Một số bài vè chúc Tết, thơ chúc Tết Nguyên đán cho trẻ em hay, dễ thuộc? Tổng hợp các quyền cơ bản của trẻ em?