Việc điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ được thực hiện hàng tháng đúng không? Nội dung chính của cuộc điều tra là gì?
Việc điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ được thực hiện hàng tháng đúng không?
Căn cứ Quyết định 03/2023/QĐ-TTg ngày 15/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ, điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ là một trong những nội dung thuộc nhóm Công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và vốn đầu tư được ban hành theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia.
Việc điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ được thực hiện nhằm thu thập thông tin cơ bản về:
- Kết quả hoạt động bán buôn, bán lẻ hàng hóa, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác;
- Kết quả kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, dịch vụ hành chính và hỗ trợ, dịch vụ khác;
- Tình hình kinh doanh của ngành vận tải;
- Ngân hàng và thông tin về xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ nhằm biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia, đáp ứng yêu cầu Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) và các yêu cầu khác của người dùng tin.
Thời gian thực hiện điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ được căn cứ theo khoản 18 tiểu mục 03 Mục II Phần II Chương trình điều tra thống kê quốc gia ban hành kèm theo Quyết định 03/2023/QĐ-TTg như sau:
- Chu kỳ hằng tháng, ngày 01 hằng tháng.
- Chu kỳ hàng quý, ngày 01 tháng cuối quý.
Như vậy, việc điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ được thực hiện định kỳ vào ngày 01 hàng tháng và ngày 01 tháng cuối quý bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) với sự phối hợp của Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Việc điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ được thực hiện hàng tháng? Nội dung chính của cuộc điều tra là gì? (Hình từ Internet)
Nội dung chính của cuộc điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ là gì?
Căn cứ khoản 18 tiểu mục 03 Mục II Phần II Chương trình điều tra thống kê quốc gia ban hành kèm theo Quyết định 03/2023/QĐ-TTg, cuộc điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ được thực hiện với những nội dung sau:
(1) Điều tra hằng tháng
Thu thập thông tin thống kê về lĩnh vực thương mại và dịch vụ:
- Tổng doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; doanh thu theo nhóm, ngành hàng;
Thu thập chỉ tiêu thống kê quốc gia mã số 1001.
- Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành;
Thu thập chỉ tiêu thống kê quốc gia mã số 1002, 1703.
- Tổng doanh thu dịch vụ khác;
Thu thập chỉ tiêu thống kê quốc gia mã số 1004.
- Doanh thu vận tải hàng hóa, hành khách, bốc xếp hàng hóa, kho bãi, đại lý và các dịch vụ khác hỗ trợ vận tải.
Thu thập chỉ tiêu thống kê quốc gia mã số 1201.
- Số lượt hành khách vận chuyển và luân chuyển; khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển.
Thu thập chỉ tiêu thống kê quốc gia mã số 1202, 1203.
(2) Điều tra hằng quý
- Tổng doanh thu dịch vụ kinh doanh bất động sản; doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin.
Thu thập chỉ tiêu thống kê quốc gia mã số 1003, 1311.
- Kết quả hoạt động dịch vụ tài chính của tổ chức tín dụng phục vụ tính tổng sản phẩm trong nước (GDP) theo quý.
Thu thập chỉ tiêu thống kê quốc gia mã số 0501, 0502.
- Trị giá xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ.
- Nước đối tác.
Thu thập chỉ tiêu thống kê quốc gia mã số 1009, 1010.
Như vậy, cuộc điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ được thực hiện theo những nội dung nêu trên. Trong đó, công tác điều tra sẽ được tiến hành theo hình thức điều tra chọn mẫu.
Đối tượng điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ là những tổ chức nào?
Theo khoản 18 tiểu mục 03 Mục II Phần II Chương trình điều tra thống kê quốc gia ban hành kèm theo Quyết định 03/2023/QĐ-TTg, đối tượng và đơn vị điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ được xác định như sau:
- Đối tượng điều tra:
Cơ sở sản xuất, kinh doanh có hoạt động bán buôn, bán lẻ hàng hóa sửa chữa ô tô xe máy và xe có động cơ khác; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch và dịch vụ khác; vận tải, kho bãi; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ và tổ chức tín dụng.
- Đơn vị điều tra:
Các tập đoàn; Tổng công ty; doanh nghiệp; hợp tác xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể có hoạt động thương mại dịch vụ; tổ chức tín dụng.
Theo đó, căn cứ Điều 33 Luật Thống kê 2015, đối tượng điều tra thống kê nêu trên có các quyền, nghĩa vụ sau:
- Tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có các quyền sau đây:
+ Được thông báo về quyết định, mục đích, yêu cầu, phạm vi, nội dung chủ yếu và thời hạn của cuộc điều tra;
+ Được bảo đảm bí mật thông tin đã cung cấp cho điều tra viên thống kê theo quy định;
+ Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về điều tra thống kê.
- Tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có các nghĩa vụ sau đây:
+ Cung cấp thông tin trung thực, chính xác, đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu của điều tra viên thống kê hoặc cơ quan tiến hành điều tra thống kê;
+ Không được từ chối hoặc cản trở việc cung cấp thông tin điều tra thống kê;
+ Chịu sự kiểm tra của cơ quan tiến hành điều tra thống kê và thanh tra chuyên ngành thống kê về thông tin đã cung cấp.
Xem chi tiết về cuộc điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ tại Quyết định 03/2023/QĐ-TTg.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hà Nội dành hơn 567 tỷ đồng tặng hơn 1,1 triệu suất quà cho đối tượng chính sách, hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025?
- Thỏa thuận trọng tài được lập trước hay sau khi xảy ra tranh chấp? Thỏa thuận trọng tài qua email có hiệu lực hay không?
- Ngày 10 tháng 12 là ngày gì? Ngày 10 tháng 12 năm nay là ngày bao nhiêu âm lịch? Có phải là ngày nghỉ lễ của người lao động?
- Chậm thực hiện nghĩa vụ là gì? Lãi suất phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền được xác định như thế nào?
- Mẫu phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng từ 1/1/2025 theo Thông tư 52/2024?