Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và Bộ LĐTBXH khẩn trương thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội?
Hạn chế trong việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công hiện nay là gì?
Vừa qua, Chính phủ ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg năm 2023 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 03 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, tại Chỉ thị 08/CT-TTg năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đưa ra kết quả tích cực trong công tác giải ngân vốn đầu tư đồng thời cũng chỉ ra những tồn đọng cũng như hạn chế việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công như sau:
Về kết quả đạt được:
- Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt được một số kết quả tích cực, tổng số vốn giải ngân năm 2022 cao hơn năm 2021 khoảng 103 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 23%) và đạt gần 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
- Tiến độ nhiều công trình, dự án cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia, các tuyến cao tốc, các dự án giao thông, liên kết vùng,... được đẩy nhanh đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động...
- Ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả giải ngân cao, đóng góp quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là 08 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2022 đạt 100% kế hoạch.
Về những hạn chế trong phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công:
- Công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát đôn đốc thực hiện;
- Chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh của các dự án;
- Công tác chuẩn bị đầu tư còn sơ sài, chất lượng chưa tốt, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm trễ nên đã gặp vướng mắc trong triển khai;
- Phân bổ vốn còn dàn trải, thiếu tập trung; một số Ban quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu kém về năng lực; kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa nghiêm;
- Công tác kiểm tra, giám sát chưa tốt; chấp hành kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm...
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công (từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hoàn thành, quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng) ở 07 lĩnh vực (đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công) còn bất cập, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn...mỗi một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến các khâu sau và toàn bộ dự án.
Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và Bộ LĐTBXH khẩn trương thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội? (Hình từ Internet)
Chỉ thị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội?
Tại Chỉ thị 08/CT-TTg năm 2023, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và các cơ quan liên quan thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 tháng 3 năm 2023 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; dự kiến khả năng thực hiện, số tiền có thể giải ngân đến hết thời hạn của Chương trình, phương án đối với số tiền còn lại không sử dụng hết.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 tháng 3 năm 2023 về cụ thể số tiền còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đề xuất phương án xử lý.
- Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương:
+ Khẩn trương phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án dự kiến bố trí từ nguồn Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo theo tiến độ yêu cầu.
+ Phân công cụ thể lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo theo dõi tiến độ thực hiện dự án thuộc Chương trình và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện và giải ngân của dự án này.
+ Định kỳ hằng tháng báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, tổng hợp các dự án hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn còn lại của Chương trình theo đúng quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Chỉ đạo thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia như thế nào?
Tại Chỉ thị 08/CT-TTg năm 2023, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia như sau:
- Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia trực tiếp chỉ đạo, điều hành, kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Chương trình tại các bộ, địa phương.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
+ Tăng cường hoạt động chỉ đạo, điều hành của ban chỉ đạo các cấp; rà soát danh mục các dự án đầu tư, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, bảo đảm trọng tâm trọng điểm, dứt khoát không dàn trải, manh mún trong quá trình tổ chức thực hiện.
+ Rà soát, tổng hợp dữ liệu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, danh mục dự án đầu tư, kết quả giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 (bao gồm vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương và vốn cân đối từ ngân sách địa phương), định kỳ báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cơ quan chủ Chương trình trước ngày 23 hằng tháng.
+ Chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với Kho bạc Nhà nước làm thủ tục kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương trong nước năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch năm 2021 đã được kéo dài sang năm 2022) của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023.
- Yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ sau:
+ Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 27/2022/NĐ-CP theo trình tự thủ tục rút gọn, báo cáo Chính phủ trước ngày 25 tháng 3 năm 2023.
+ Khẩn trương chủ trì, thống nhất với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất phương án xử lý vướng mắc về việc giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo Chính phủ trước ngày 25 tháng 3 năm 2023.
- Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ sau:
+ Chủ động tổng hợp kết quả giải ngân vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp), định kỳ trước ngày 25 hằng tháng báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
+ Khẩn trương trình Chính phủ cho ý kiến để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 để thực hiện 02 nhiệm vụ: cải thiện dinh dưỡng và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Văn bản 948/VPCP-KTTH ngày 16 tháng 02 năm 2023.
- Đồng thời, yêu cầu các Bộ, cơ quan chủ Chương trình mục tiêu quốc gia hướng dẫn các cơ quan, địa phương triển khai các dự án thành phần kịp thời, sát thực, khả thi, đúng quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán tại Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam?
- Mẫu đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ hợp tác xã mới nhất theo Nghị định 113? Hồ sơ đăng ký nhu cầu hỗ trợ bao gồm gì?
- Mức cho vay nội bộ tối đa của hợp tác xã là bao nhiêu? Lãi suất áp dụng đối với khoản nợ vay quá hạn thế nào?
- Mẫu bản nhận xét đánh giá cán bộ chiến sỹ Công an nhân dân mới nhất? Hướng dẫn cách viết bản nhận xét?
- Cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng gồm các thông tin nào? Phân loại thông tin trong cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng?