Hóa đơn giả đã sử dụng có bắt buộc phải hủy bỏ? Sử dụng hóa đơn giả là hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ?
Hóa đơn giả đã sử dụng có bắt buộc phải hủy bỏ hay không?
Hóa đơn giả đã sử dụng có bắt buộc phải hủy bỏ hay không thì căn cứ theo khoản 2 Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 4 Nghị định này, trừ trường hợp được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 và điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định này.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.
Đồng thời, căn cứ quy định tại Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP về hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ như sau:
Hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ
1. Sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp:
a) Hóa đơn, chứng từ giả;
b) Hóa đơn, chứng từ chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng;
c) Hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế;
d) Hóa đơn điện tử không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế;
đ) Hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;
e) Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
g) Hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn, chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.
2. Sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ:
a) Hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định;
...
Theo đó, việc sử dụng hóa đơn giả được xem là sử dụng hóa đơn không hợp pháp.
Như vậy, đối chiếu với các quy định trên, có thể thấy, hóa đơn giả đã sử dụng bắt buộc phải được hủy bỏ theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trường hợp tổ chức có hành vi sử dụng hóa đơn giả còn bị phạt hành chính từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Lưu ý:
Trường hợp cá nhân có hành vi sử dụng hóa đơn giả thì bị phạt hành chính với mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm của tổ chức (theo khoản 5 Điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP và điểm a khoản 4 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP)
Mức phạt trên không áp dụng trong trường hợp sử dụng hóa đơn giả nhằm các mục đích sau:
- Để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.
Hành vi này có thể bị phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định.
- Để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.
Hành vi này có thể bị phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên.
Hóa đơn giả đã sử dụng có bắt buộc phải hủy bỏ hay không? Sử dụng hóa đơn giả là hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ? (Hình từ Internet)
Sử dụng hóa đơn giả là hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ đúng không?
Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ như sau:
Hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ
1. Đối với công chức thuế
a) Gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn, chứng từ;
b) Có hành vi bao che, thông đồng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp;
c) Nhận hối lộ khi thanh tra, kiểm tra về hóa đơn.
2. Đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan
a) Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn;
...
Như đã phân tích, việc sử dụng hóa đơn giả được xem là sử dụng hóa đơn không hợp pháp.
Đối chiếu với quy định trên, có thể thấy đối với công chức thuế, hành vi bao che, thông đồng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn giả được xem là hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ.
Và đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan, hành vi sử dụng hóa đơn giả là hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ.
Hóa đơn điện tử được lưu trữ, bảo quản thế nào?
Việc bảo quản, lưu trữ hóa đơn, chứng từ được quy định tại Điều 6 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Bảo quản, lưu trữ hóa đơn, chứng từ
1. Hóa đơn, chứng từ được bảo quản, lưu trữ đảm bảo:
a) Tính an toàn, bảo mật, toàn vẹn, đầy đủ, không bị thay đổi, sai lệch trong suốt thời gian lưu trữ;
b) Lưu trữ đúng và đủ thời hạn theo quy định của pháp luật kế toán.
2. Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử được bảo quản, lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn và áp dụng hình thức bảo quản, lưu trữ hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử phù hợp với đặc thù hoạt động và khả năng ứng dụng công nghệ. Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử phải sẵn sàng in được ra giấy hoặc tra cứu được khi có yêu cầu.
3. Hóa đơn do cơ quan thuế đặt in, chứng từ đặt in, tự in phải bảo quản, lưu trữ đúng với yêu cầu sau:
a) Hóa đơn, chứng từ chưa lập được lưu trữ, bảo quản trong kho theo chế độ lưu trữ bảo quản chứng từ có giá.
b) Hóa đơn, chứng từ đã lập trong các đơn vị kế toán được lưu trữ theo quy định lưu trữ, bảo quản chứng từ kế toán.
c) Hóa đơn, chứng từ đã lập trong các tổ chức, hộ, cá nhân không phải là đơn vị kế toán được lưu trữ và bảo quản như tài sản riêng của tổ chức, hộ, cá nhân đó.
Như vậy, hóa đơn điện tử được bảo quản, lưu trữ bằng phương tiện điện tử.
Việc lưu trữ, bảo quản hóa đơn điện tử đảm bảo:
- Tính an toàn, bảo mật, toàn vẹn, đầy đủ, không bị thay đổi, sai lệch trong suốt thời gian lưu trữ;
- Lưu trữ đúng và đủ thời hạn theo quy định của pháp luật kế toán.
Lưu ý: Cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn và áp dụng hình thức bảo quản, lưu trữ hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử phù hợp với đặc thù hoạt động và khả năng ứng dụng công nghệ. Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử phải sẵn sàng in được ra giấy hoặc tra cứu được khi có yêu cầu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nội dung của chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực hợp tác xã? Nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực?
- Hồ sơ kê khai tài sản thu nhập hằng năm của cán bộ công chức gồm mấy bản kê khai tài sản thu nhập? Cách kê khai theo Nghị định 130?
- Tổng hợp hệ thống các cấp bậc hàm công an nhân dân và chức danh theo quy định pháp luật mới nhất?
- Thông tư 104/2024 thay thế, bãi bỏ quy định, mẫu biểu liên quan đến kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính tại các Thông tư liên tịch?
- Mẫu KPI kế toán trưởng? Mẫu đánh giá kế toán trưởng? Tải về Mẫu KPI kế toán trưởng file excel mới nhất?