Hoạt động điều tra đánh giá tiềm năng đất đai được thực hiện bằng nguồn vốn nào? Tần suất thực hiện hoạt động này?
Hoạt động điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai được thực hiện bằng nguồn vốn nào?
Căn cứ vào Điều 55 Luật Đất đai 2024 có quy định như sau:
Trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất
1. Chính phủ quy định chi tiết việc điều tra, đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất và quy định điều kiện năng lực của tổ chức dịch vụ tư vấn điều tra, đánh giá đất đai.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
a) Quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai; kỹ thuật bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất;
b) Xây dựng và duy trì hệ thống quan trắc;
c) Tổ chức thực hiện, phê duyệt và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai cả nước, các vùng kinh tế - xã hội và theo chuyên đề;
d) Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất thoái hóa nặng liên vùng, liên tỉnh; kế hoạch bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với khu vực đất bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức thực hiện, phê duyệt và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai của địa phương; xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất bị thoái hóa, ô nhiễm trên địa bàn; cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai;
b) Thống kê và công bố các khu vực đất bị ô nhiễm; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu xử lý, cải tạo và phục hồi đất ở khu vực đất bị ô nhiễm trên địa bàn.
4. Các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai; bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất được thực hiện bằng nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.
5. Kết quả điều tra, đánh giá đất đai phải được phê duyệt trong năm thực hiện kiểm kê đất đai để làm căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất các cấp. Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm công bố công khai kết quả điều tra, đánh giá đất đai trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đó, hoạt động điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai được thực hiện bằng nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường và các nguồn vốn khác.
Lưu ý:
- Kết quả điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai phải được phê duyệt trong năm thực hiện kiểm kê đất đai để làm căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất các cấp.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh công bố công khai kết quả điều tra, đánh giá đất đai trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Hoạt động điều tra đánh giá tiềm năng đất đai được thực hiện bằng nguồn vốn nào? Tần suất thực hiện hoạt động này? (Hình từ Internet)
Tần suất thực hiện hoạt động điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Đất đai 2024 như sau:
Các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai
1. Điều tra, đánh giá đất đai bao gồm:
a) Điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai;
b) Điều tra, đánh giá thoái hóa đất;
c) Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất;
d) Quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất;
đ) Điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề.
2. Điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề được thực hiện để điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hóa đất, ô nhiễm đất đối với loại đất cụ thể theo yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai tại một thời điểm xác định.
3. Các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này thực hiện theo định kỳ 05 năm một lần. Hoạt động điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này thực hiện theo yêu cầu phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì hoạt động điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai được thực hiện theo định kỳ 05 năm một lần.
Nội dung điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai bao gồm những gì?
Nội dung điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai được quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Đất đai 2024, bao gồm các nội dung sau đây:
(1) Khoanh vùng, xác định vị trí, diện tích và phân mức chất lượng đất đối với các loại đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng theo các đặc điểm thổ nhưỡng, địa hình, tính chất vật lý, tính chất hóa học, tính chất sinh học và điều kiện khác;
(2) Khoanh vùng, xác định vị trí, diện tích và phân mức tiềm năng đất đai đối với các loại đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng trên cơ sở phân mức chất lượng đất và hiệu quả sử dụng đất theo các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường;
(3) Khoanh vùng các khu vực đất cần bảo vệ, xử lý, cải tạo và phục hồi;
(4) Lập bản đồ chất lượng đất, bản đồ tiềm năng đất đai; xây dựng và cập nhật dữ liệu chất lượng đất, tiềm năng đất đai vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử trong Đảng là mẫu nào? Tải về Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử trong Đảng?
- Mẫu biên bản ký kết thi đua dùng cho Chi bộ? Sinh hoạt chi bộ thường kỳ gồm có những nội dung gì?
- Báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng có gì khác không?
- Thời hạn cho vay nội bộ trong hợp tác xã là bao lâu? Quy định về cho vay nội bộ trong Điều lệ hợp tác xã gồm nội dung gì?
- Cách viết ý kiến nhận xét chi ủy nơi cư trú đối với đảng viên dự bị? Thời gian làm Đảng viên dự bị là bao lâu?