Học bổng hiệp định là gì? Tiêu chuẩn dự tuyển học bổng hiệp định như thế nào? Quyền và trách nhiệm của du học sinh học bổng hiệp định?
Học bổng hiệp định là gì?
Học bổng hiệp định (Hình từ Internet)
Theo điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 86/2021/NĐ-CP quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật:
Giải thích từ ngữ
Du học sinh học bổng ngân sách nhà nước là công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập được nhận toàn phần hoặc một phần chi phí đào tạo, chi phí đi lại, sinh hoạt phí và các chi phí khác liên quan đến học tập từ một hoặc nhiều nguồn trong các nguồn kinh phí sau đây:
a) Học bổng ngân sách nhà nước cấp trong khuôn khổ hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài;
…
Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 2 Thông tư 06/2016/TT-BGDĐT ban hành quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BGDĐT) có quy định:
Giải thích từ ngữ
Học bổng ngân sách nhà nước là học bổng quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 86/2021/NĐ-CP, được giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và sử dụng
Như vậy, có thể hiểu học bổng hiệp định hay học bổng ngân sách nhà nước diện hiệp định là một loại học bổng thuộc học bổng ngân sách nhà nước, theo Thỏa thuận hợp tác và Hiệp định ký kết giữa Nhà nước và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ hoặc tổ chức quốc tế.
Tiêu chuẩn dự tuyển học bổng hiệp định như thế nào?
Tiêu chuẩn đối với công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 86/2021/NĐ-CP, bao gồm:
Tuyển sinh và cử công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập
1. Tiêu chuẩn đối với công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập
a) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;
b) Không trong thời gian bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn, ngoại ngữ đáp ứng quy định của chương trình học bổng và đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của chương trình học bổng;
d) Được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý cử đi học (đối với trường hợp có cơ quan công tác);
đ) Đáp ứng các quy định hiện hành về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định của Đảng (đối với trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức và là đảng viên)
…
Theo đó, ứng viên dự tuyển tuyển học bổng hiệp định cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn đối với công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập đã nêu trên.
Quyền và trách nhiệm của du học sinh học bổng hiệp định?
Căn cứ Điều 6 Nghị định 86/2021/NĐ-CP, quyền và trách nhiệm của du học sinh diện học bổng hiệp định tương ứng với các quyền và trách nhiệm của du học sinh học bổng ngân sách nhà nước cụ thể như sau:
- Quyền của du học sinh học bổng hiệp định:
+ Được về nước thực tập, thu thập tài liệu đề phục vụ chương trình học tập; được hưởng các kỳ nghỉ trong thời gian học tập theo quy định của cơ sở giáo dục nước ngoài; được về nước, đi thăm thân nhân ở nước khác (nước thứ ba) nếu được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại đồng ý;
+ Được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bảo hộ về lãnh sự, bảo vệ quyền lợi chính đáng trong thời gian học tập ở nước ngoài theo quy định;
+ Được hưởng toàn phần hoặc một phần chi phí đào tạo, chi phí đi lại, sinh hoạt phí và các chi phí khác liên quan đến học tập ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước
- Trách nhiệm của du học sinh học bổng hiệp định:
+ Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Việt Nam, pháp luật và phong tục tập quán của nước sở tại; trong trường hợp vi phạm, tùy tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật của các bên có liên quan;
+ Nghiêm chỉnh chấp hành thực hiện nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục nước ngoài và cam kết, quy định của cơ quan quản lý trực tiếp (đối với trường hợp có cơ quan công tác), cơ quan cử đi học; giữ gìn và phát triển quan hệ hữu nghị với các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư nước sở tại;
+ Thực hiện đăng ký công dân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định hiện hành và cập nhật thông tin vào Hệ thống cơ sở dữ liệu quy định tại Điều 4 Nghị định 86/2021/NĐ-CP;
+ Không được tự ý bỏ học; thực hiện đúng quy định về thời gian học, trình độ đào tạo, ngành học, nước đi học và cơ sở giáo dục theo quyết định cử đi học của cơ quan có thẩm quyền;
+ Thông báo cho cơ quan cử đi học trước 10 ngày làm việc trước khi về nước thực tập, thu thập tài liệu, được nghỉ học, nghỉ lễ theo quy định của cơ sở giáo dục nước ngoài.
+ Gửi báo cáo tiến độ học tập và bản sao kết quả học tập có xác nhận của cơ sở đào tạo nước ngoài qua đường bưu điện hoặc trực tiếp hoặc trực tuyến cho cơ quan cử đi học sau mỗi kỳ học, năm học;
+ Phải bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Nghị định 86/2021/NĐ-CP nếu không hoàn thành nghĩa vụ học tập hoặc không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp.
+ Thực hiện các quy định hiện hành về cán bộ, công chức, viên chức và các quy định của Đảng (đối với trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức và là đảng viên);
+ Bảo vệ các tài liệu, thông tin có bí mật nhà nước được quy định tại Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, thông tin bảo vệ chính trị nội bộ;
+ Không lợi dụng việc học tập hay bất kỳ hình thức nào khác để thực hiện các hoạt động tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và nước đối tác.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?
- Hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu theo Thông tư 80? Tải về tài liệu hồ sơ hoàn thuế?