Hợp đồng hôn nhân là gì? Ký hợp đồng hôn nhân có hợp pháp không? Khi nào thì hợp đồng hôn nhân có hiệu lực?
Hợp đồng hôn nhân là gì? Ký hợp đồng hôn nhân có hợp pháp không? Khi nào thì hợp đồng hôn nhân có hiệu lực?
Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 có quy định hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Còn theo khoản 1 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định thì hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn.
Tuy nhiên, với hợp đồng hôn nhân thì pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể đề cập đến vấn đề này. Mặc dù chưa có quy định cụ thể về hợp đồng hôn nhân là gì, nhưng có thể hiểu rằng hợp đồng hôn nhân là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập các quyền và nghĩa vụ liên quan trong quá trình trước, trong và sau thời kỳ hôn nhân.
Trong đó, việc thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng trước khi đăng ký kết hôn cũng có thể được xem như một trong những hình thức của hợp đồng hôn nhân.
Theo Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể như sau:
Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng
Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Như vậy, việc ký hợp đồng để thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn, thời điểm thiết lập hợp đồng được thực hiện trước thời kỳ hôn nhân, được lập thành văn bản và phải có công chứng thì nội dung hợp đồng hôn nhân hoàn toàn hợp pháp theo quy định và được công nhận và thực hiện.
Do đó, nếu ký hợp đồng hôn nhân để thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn tuân thủ quy định được xem là hợp pháp.
Hợp đồng hôn nhân thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập (có hiệu lực) kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Hợp đồng hôn nhân là gì? Ký hợp đồng hôn nhân có hợp pháp không? Khi nào thì hợp đồng hôn nhân có hiệu lực? (Hình từ Internet)
Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng gồm các nội dung cơ bản nào?
Theo Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng
1. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:
a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
d) Nội dung khác có liên quan.
2. Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định.
Theo đó, nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:
- Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
- Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
- Nội dung khác có liên quan.
Đăng ký kết hôn giả tạo thông qua hợp đồng hôn nhân có trái pháp luật quy định không?
Căn cứ theo Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì pháp luật Việt Nam cấm những hành vi sau đây:
- Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
- Yêu sách của cải trong kết hôn;
- Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
- Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
- Bạo lực gia đình;
- Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Trong đó kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình. (Theo khoản 11 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Như vậy, mọi hành vi kết hôn không nhằm mục đích để xây dựng gia đình mà chỉ lợi dụng mối quan hệ hôn nhân để đạt được những mục đích khác đều trái với quy định pháp luật.
Do đó, nếu theo như định nghĩa về hợp đồng hôn nhân đã nêu ở trên thì việc đăng ký kết hôn giả tạo thông qua hợp đồng hôn nhân là trái pháp luật, ngoại trừ trường hợp thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn bằng hình thức giao kết hợp đồng theo quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Vi phạm quy định về đối thoại tại nơi làm việc thì xử phạt hành chính thế nào? Quy định về việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc?
- Hướng dẫn vào thi https hocvalamtheobac mobiedu vn tuần 2 cuộc thi trực tuyến Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh?
- Trẻ em ngồi ghế trước ô tô có bị phạt không? Mức phạt để trẻ em ngồi ghế trước ô tô là bao nhiêu?
- Cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống có phải tuân thủ về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt không?
- Ngày 8 1 là ngày gì? Ngày 8 1 2025 dương là bao nhiêu âm? Ngày 8 tháng 1 năm 2025 là thứ mấy?