Hương ước của cộng đồng dân cư có cần được lập thành văn bản và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hay không?
Hương ước của cộng đồng dân cư có phải là quy tắc xử sự của cộng đồng dân cư đó?
Căn cứ quy định tại Điều 2 Quyết định 22/2018/QĐ-TTg, hương ước, quy ước được hiểu như sau:
"Điều 2. Hương ước, quy ước
Hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận theo quy định tại Quyết định này."
Theo đó, có thể hiểu một cách đơn giản, hương ước của cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố chính là một văn bản chứa đựng các quy tắc xử sự do chính cộng đồng dân cư đó thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong phạm vi cộng đồng dân cư. Văn bản hương ước này cũng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận nếu được thiết lập đúng theo quy định của pháp luật.
Hương ước có vai trò gì đối với cộng đồng dân cư?
Mục đích của việc xây dựng, thực hiện hương ước được quy định tại Điều 3 Quyết định 22/2018/QĐ-TTg cụ thể như sau:
"Điều 3. Mục đích xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước
1. Phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở.
2. Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư."
Theo đó, hương ước được xây dựng và thực hiện dựa trên nguyên tắc quy định tại Điều 4 Quyết định 22/2018/QĐ-TTg cụ thể gồm:
"Điều 4. Nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước
1. Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư.
2. Bảo đảm tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân; dựa trên nhu cầu tự quản của cộng đồng dân cư.
3. Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư.
4. Không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới.
5. Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất."
Hương ước của cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố
Hương ước của cộng đồng dân cư có cần được lập thành văn bản và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hay không?
Căn cứ Điều 5 Quyết định 22/2018/QĐ-TTg có quy đinh như sau:
"Điều 5. Phạm vi nội dung, hình thức của hương ước, quy ước
1. Nội dung của hương ước, quy ước do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố quyết định, bao gồm một hoặc một số lĩnh vực của đời sống xã hội mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định nguyên tắc; ghi nhận các phong tục, tập quán tốt đẹp và biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; phù hợp với yêu cầu tự quản của cộng đồng dân cư và mục đích, nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Quyết định này.
2. Hương ước, quy ước được thể hiện dưới hình thức văn bản, có chữ ký xác nhận của Trưởng ban công tác Mặt trận, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố. Hương ước, quy ước sau khi được công nhận có đóng dấu giáp lai của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện).
3. Ngôn ngữ trong hương ước, quy ước là tiếng Việt, được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, phù hợp với cộng đồng dân cư.
Đối với thôn, tổ dân phố có nhiều dân tộc cùng sinh sống và sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau thì cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố xem xét, quyết định việc dịch hương ước, quy ước sang tiếng dân tộc thiểu số để bảo đảm huy động đông đảo người dân tham gia ý kiến, biểu quyết thông qua dự thảo hương ước, quy ước và thực hiện sau khi được công nhận.
4. Việc lựa chọn tên gọi “Hương ước” hoặc “Quy ước” do cộng đồng dân cư thống nhất, quyết định."
Đồng thời, việc soạn thảo hương ước cũng được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Quyết định 22/2018/QĐ-TTg như sau:
"Điều 6. Soạn thảo hương ước, quy ước
1. Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận tổ chức Hội nghị của thôn, tổ dân phố lấy ý kiến về chủ trương xây dựng hương ước, quy ước và những nội dung cơ bản dự kiến quy định trong hương ước, quy ước.
2. Trường hợp có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành chủ trương xây dựng hương ước, quy ước, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận lựa chọn, cử người tham gia Tổ soạn thảo hương ước, quy ước.
3. Tổ soạn thảo có trách nhiệm tổ chức việc soạn thảo hương ước, quy ước. Thành viên Tổ soạn thảo hương ước, quy ước phải là người có uy tín trong cộng đồng dân cư; có phẩm chất đạo đức tốt; có kinh nghiệm sống và có hiểu biết về pháp luật, văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương; có đại diện phụ nữ tham gia. Đối với thôn, tổ dân phố vùng dân tộc thiểu số thì thành viên Tổ soạn thảo phải có sự tham gia của người dân tộc thiểu số biết tiếng dân tộc thiểu số."
Như vậy, có thể thấy việc xây dựng hương ước của cộng đồng dân cư phải trải qua quy trình gồm nhiều bước. Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố sẽ chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận tổ chức Hội nghị của thôn, tổ dân phố lấy ý kiến về chủ trương xây dựng hương ước, quy ước và những nội dung cơ bản dự kiến quy định trong hương ước, quy ước. Việc soạn thảo hương ước phải được thể hiện dưới hình thức văn bản và có chữ ký xác nhận của Trưởng ban công tác Mặt trận, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố. Hương ước, quy ước sau khi được công nhận có đóng dấu giáp lai của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì mới được xem là có hiệu lực áp dụng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống có phải tuân thủ về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt không?
- Ngày 8 1 là ngày gì? Ngày 8 1 2025 dương là bao nhiêu âm? Ngày 8 tháng 1 năm 2025 là thứ mấy?
- Bài tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam 9 1 2025? Bài tuyên truyền ngày học sinh sinh viên?
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?