Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm là gì? Huy hiệu Tuổi trẻ Dũng cảm có phải là Huân chương Dũng cảm không?
Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm là gì?
Hiện tại, không có văn bản pháp luật nào định nghĩa cụ thể về Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm, tuy nhiên có thể căn Điều 21 Nghị định 17/2021/NĐ-CP để định nghĩa về Huy hiệu tuổi trẻ dũng cảm.
Cụ thể, tại Điều 21 Nghị định 17/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
Đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
1. Đối với thanh niên xung phong
a) Quy định mẫu Giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ cho người tham gia tổ chức thanh niên xung phong; chỉ đạo, hướng dẫn Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức thanh niên xung phong thực hiện đúng quy định về cấp Giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ và tặng Kỷ niệm chương đối với người tham gia tổ chức thanh niên xung phong;
b) Phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách đối với người tham gia tổ chức thanh niên xung phong đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật;
c) Khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; trao tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” theo quy định của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho thanh niên xung phong có hành động dũng cảm.
2. Đối với thanh niên tình nguyện
a) Tổ chức tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện;
b) Xây dựng kênh thông tin kết nối các hoạt động tình nguyện của thanh niên trên phạm vi toàn quốc; thực hiện nhiệm vụ điều phối hoạt động tình nguyện của thanh niên;
c) Phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, định hướng, xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hoạt động tình nguyện của thanh niên;
d) Chỉ đạo, hướng dẫn Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp tỉnh và các tổ chức khác của thanh niên được thành lập theo quy định của pháp luật về phương thức huy động thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện trong tổ chức của mình;
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan quy định mẫu Giấy chứng nhận tham gia hoạt động tình nguyện và hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hoạt động tình nguyện cấp Giấy chứng nhận cho thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện;
e) Khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động tình nguyện; trao tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” theo quy định của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho thanh niên tình nguyện có hành động dũng cảm trong quá trình tham gia hoạt động tình nguyện.
...
Theo đó, có thể hiểu Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm là danh hiệu cao quý của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh dành tặng đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi Việt Nam có hành động dũng cảm, lập công xuất sắc trong bảo vệ an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; dũng cảm bảo vệ, cứu người, cứu tài sản của nhân dân, của Nhà nước trong tình huống cấp bách...
Việc khen thưởng bằng hình thức trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm được thực hiện theo quy định của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm là gì? Huy hiệu Tuổi trẻ Dũng cảm có phải là Huân chương Dũng cảm không? (Hình từ Internet)
Huy hiệu Tuổi trẻ Dũng cảm có phải là Huân chương Dũng cảm hay không?
Huân chương được quy định theo Điều 33 Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 như sau:
Huân chương
1. Huân chương để tặng cho tập thể có nhiều thành tích; tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có công trạng, lập được thành tích hoặc có quá trình cống hiến lâu dài trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2. Huân chương gồm:
a) “Huân chương Sao vàng”;
b) “Huân chương Hồ Chí Minh”;
c) “Huân chương Độc lập” hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba;
d) “Huân chương Quân công” hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba;
đ) “Huân chương Lao động” hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba;
e) “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba;
g) “Huân chương Chiến công” hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba;
h) “Huân chương Đại đoàn kết dân tộc”;
i) “Huân chương Dũng cảm”;
k) “Huân chương Hữu nghị”.
Bên cạnh đó, tại Điều 52 Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 có quy định như sau:
“Huân chương Dũng cảm”
“Huân chương Dũng cảm” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có hành động dũng cảm khi cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân trong thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, tai nạn, cháy, nổ, đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc dũng cảm xung phong vào nơi nguy hiểm nhằm bảo vệ tính mạng của người dân và thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương trong phạm vi quản lý của Bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc toàn quốc.
Theo quy định trên thì Huân chương Dũng cảm là một loại huân chương của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Huân chương Dũng cảm được tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân.
Về mặt ý nghĩa thì Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm và Huân chương Dũng cảm đều giống nhau, đều là dành tặng cho cá nhân có hành động dũng cảm khi cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân trong thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, tai nạn, cháy, nổ, đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc dũng cảm xung phong vào nơi nguy hiểm nhằm bảo vệ tính mạng của người dân.
Tuy nhiên Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm là huy hiệu của Trung ương Đoàn còn Huân chương Dũng cảm là huân chương cấp Nhà nước trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Đối tượng thanh niên được trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm theo Nghị định 17 là ai?
Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 17/2021/NĐ-CP thì đối tượng thanh niên được trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm gồm:
(1) Thanh niên xung phong thực hiện các nhiệm vụ theo quy định như:
- Tham gia dự án phát triển kinh tế - xã hội được Nhà nước giao;
- Tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia;
- Tham gia sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên;
- Các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách, khó khăn, gian khổ theo quy định của pháp luật.
(2) Thanh niên tình nguyện thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tham gia chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội được cấp có thẩm quyền phê duyệt do cá nhân tự nguyện đăng ký với cơ quan chủ trì thực hiện và có thời hạn từ 24 tháng trở lên (sau đây gọi là thanh niên tình nguyện tham gia chương trình, đề án, dự án);
- Tham gia hoạt động tình nguyện vì lợi ích của cộng đồng và xã hội do cá nhân tự nguyện đăng ký với cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, xã hội (sau đây gọi là thanh niên tình nguyện vì cộng đồng, xã hội).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?