Khi bị tổ chức đòi nợ thuê làm phiền thì cá nhân có thể kiện tổ chức với những tội danh nào theo quy định hiện nay?
Hoạt động đòi nợ thuê có phải là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không?
Căn cứ tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020 quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như sau:
Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh
1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;
b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
d) Kinh doanh mại dâm;
đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
g) Kinh doanh pháo nổ;
h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
2. Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê thuộc một trong các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Khi bị tổ chức đòi nợ thuê làm phiền thì cá nhân có thể kiện tổ chức với những tội danh nào theo quy định hiện nay? (Hình từ Internet)
Tổ chức kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ bị xử phạt như sau:
Hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh
1. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
...
Căn cứ khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP) quy định về mức phạt tiền như sau:
Quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
..
4. Mức phạt tiền:
a) Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức;
b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 68, Điều 70, khoản 6, 7, 8, 9 Điều 73 và khoản 6, 7, 8 Điều 77 của Nghị định này. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.
Từ những quy định trên thì tổ chức kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng.
Ngoài ra, tổ chức còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và phải nộp lại số lợi bất hợp pháp mà mình thu được khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.
Tổ chức đòi nợ thuê làm phiền người khác có thể bị khởi tố với những tội danh nào?
Căn cứ Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội xâm phạm chỗ ở của người khác như sau:
Tội xâm phạm chỗ ở của người khác
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;
c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;
d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.
...
Căn cứ Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội gây rối trật tự công cộng như sau:
Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
...
Trong trường hợp tổ chức đòi nợ thuê đến nhà đòi nợ mà có hành vi xâm phạm nhà ở hoặc gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hiện tại thì tổ chức đòi nợ thuê có thể bị khởi tố với các tội danh sau:
- Tội xâm phạm chỗ ở của người khác.
- Tội gây rối trật tự công cộng.
Nếu phía tổ chức đòi nợ thuê có những lời lẽ, hành vi đe dọa đến cá nhân buộc cá nhân phải trả nợ thì tùy trường hợp cụ thể mà có thể bị khởi tố với tội danh đe dọa giết người theo Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hà Nội dành hơn 567 tỷ đồng tặng hơn 1,1 triệu suất quà cho đối tượng chính sách, hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025?
- Thỏa thuận trọng tài được lập trước hay sau khi xảy ra tranh chấp? Thỏa thuận trọng tài qua email có hiệu lực hay không?
- Ngày 10 tháng 12 là ngày gì? Ngày 10 tháng 12 năm nay là ngày bao nhiêu âm lịch? Có phải là ngày nghỉ lễ của người lao động?
- Chậm thực hiện nghĩa vụ là gì? Lãi suất phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền được xác định như thế nào?
- Mẫu phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng từ 1/1/2025 theo Thông tư 52/2024?