Khi ký kết hợp đồng với công ty nước ngoài bắt buộc phải sử dụng con dấu không? Thỏa thuận ký kết hợp đồng với công ty nước ngoài như thế nào không trái với pháp luật?
Thỏa thuận ký kết hợp đồng với công ty nước ngoài như thế nào không trái với pháp luật?
Căn cứ theo Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
"Điều 385. Khái niệm hợp đồng
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự."
Quy định tại Điều 11 Luật Thương mại 2005 như sau:
"Điều 11. Nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận trong hoạt động thương mại
1. Các bên có quyền tự do thoả thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó.
2. Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào."
Như vậy, khi ký kết hợp đồng hai bên được tự do thỏa thuận, thương lượng các điều khoản mà không trái với quy định của pháp luật, không trái với chuẩn mực đạo đức xã hội.
Khi ký kết hợp đồng với công ty nước ngoài bắt buộc phải sử dụng con dấu không? (Nguồn ảnh: Internet)
Khi ký kết hợp đồng với công ty nước ngoài bắt buộc phải sử dụng con dấu không?
Căn cứ Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
"Điều 43. Dấu của doanh nghiệp
1. Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
2. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
3. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật."
Như vậy, không phải trong mọi trường hợp doanh nghiệp đều phải đóng dấu trong hợp đồng. Theo đó, phải sử dụng con dấu trong 03 trường hợp:
- Khi pháp luật quy định phải sử dụng;
- Điều lệ công ty có quy định;
- Các bên thỏa thuận sử dụng con dấu.
Hiện nay, có nhiều nước doanh nghiệp không dùng con dấu mà chỉ có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền, do đó, khi ký kết hợp đồng chỉ có chữ ký không được đóng dấu vẫn có giá trị khi nội dung không trái với quy định của pháp luật.
Do đó, khi ký kết hợp đồng với công ty nước ngoài thì anh phải xem xét các bên có thỏa thuận sử dụng con dấu hay không. Hoặc điều lệ công ty có bắt buộc phải sử dụng con dấu trong việc giao kết hợp đồng.
Nếu điều lệ công ty hoặc các bên thỏa thuận phải sử dụng con dấu khi giao kết hợp đồng thì các bên phải sử dụng.
Ngược lại điều lệ công ty không bắt buộc hoặc các bên không có thỏa thuận sử dụng con dấu thì hiệu lực của hợp đồng không phụ thuộc vào con dấu.
Trường hợp này các bên chỉ cần chữ ký hợp lệ của các bên giao kết hợp đồng thì hợp đồng có hiệu lực.
Tranh chấp thương mại với công ty nước ngoài áp dụng pháp luật Việt Nam được không?
Khi tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài thì hai bên thỏa thuận áp dụng pháp luật nước nào để giải quyết tranh chấp. Do đó, tại Điều 5 Luật Thương mại 2005 quy định như sau:
"Điều 5. Áp dụng điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế
1. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế hoặc có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
2. Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam."
Cùng với đó quy định tại Điều 14 Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau:
"Điều 14. Luật áp dụng giải quyết tranh chấp
1. Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp.
2. Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất.
3. Trường hợp pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp thì Hội đồng trọng tài được áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam."
Như vậy, khi ký kết hợp đồng nếu hai bên không thỏa thuận về luật áp dụng khi xảy ra tranh chấp thì hội đồng trọng tài sẽ là người quyết định luật áp dụng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lỗi nghe điện thoại khi lái xe ô tô 2025 phạt bao nhiêu tiền? Nghe điện thoại khi lái xe ô tô 2025 bị trừ bao nhiêu điểm?
- Đáp án bảng C tuần 2 cuộc thi trực tuyến tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh ra sao?
- Hoàn thành nhiệm vụ có được thưởng theo Nghị định 73? Nếu có thì được thưởng bao nhiêu theo Nghị định 73?
- Chất là gì? Lượng là gì? Ví dụ về chất, lượng? Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên nguyên tắc gì?
- Bài phát biểu ngày truyền thống học sinh sinh viên 9 1 2025 hay ý nghĩa? Hội Sinh viên Việt Nam là gì?