Khi ký văn bản công chứng mà người ký bị run tay thì có thể điểm chỉ để thay thế việc ký trong trường hợp nào?
- Khi ký văn bản công chứng mà người ký bị run tay thì có thể điểm chỉ để thay thế việc ký tên hay không?
- Văn bản công chứng bị sai sót trong khi ghi chép, đánh máy, in ấn thì tổ chức hành nghề công chứng được phép sửa lỗi hay không?
- Người điểm chỉ vào văn bản công chứng thay cho việc ký tên thì có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu hay không?
Khi ký văn bản công chứng mà người ký bị run tay thì có thể điểm chỉ để thay thế việc ký tên hay không?
Khi ký văn bản công chứng mà người ký bị run tay thì có thể điểm chỉ để thay thế việc ký trong trường hợp quy định tại Điều 48 Luật Công chứng 2014, nội dung như sau:
Ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng
...
2. Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.
3. Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau đây:
a) Công chứng di chúc;
b) Theo đề nghị của người yêu cầu công chứng;
c) Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.
Bên cạnh đó tại khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật 2010 cũng có nêu như sau: "Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn."
Từ những quy định trên thì có thể thấy việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký.
Đối với vấn đề bị run tay có được điểm chỉ thay cho kỳ hay không thì chưa có cơ sở xác định chính xác bị run tay có phải là khuyết tật hay không (cần có cơ quan chuyên môn xác định).
Trong trường hợp này thì người bị run tay nếu có Giấy xác nhận khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền xác định người này bị khuyết tật thì hoàn toàn có thể được điểm chỉ thay cho việc ký vào văn bản công chứng. Hoặc cũng có thể vẫn thực hiện việc ký đồng thời với việc điểm chỉ khi Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.
Khi ký văn bản công chứng mà người ký bị run tay thì có thể điểm chỉ để thay thế việc ký trong trường hợp nào?(Hình từ Internet)
Văn bản công chứng bị sai sót trong khi ghi chép, đánh máy, in ấn thì tổ chức hành nghề công chứng được phép sửa lỗi hay không?
Việc văn bản công chứng bị sai sót trong khi ghi chép, đánh máy, in ấn thì tổ chức hành nghề công chứng được phép sửa lỗi hay không cần phải căn cứ quy định tại Điều 50 Luật Công chứng 2014, nội dung như sau:
Sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng
1. Lỗi kỹ thuật là lỗi do sai sót trong khi ghi chép, đánh máy, in ấn trong văn bản công chứng mà việc sửa lỗi đó không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia hợp đồng, giao dịch.
2. Việc sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật.
3. Công chứng viên thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật có trách nhiệm đối chiếu từng lỗi cần sửa với các giấy tờ trong hồ sơ công chứng, gạch chân chỗ cần sửa, sau đó ghi chữ, dấu hoặc con số đã được sửa vào bên lề kèm theo chữ ký của mình và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Công chứng viên có trách nhiệm thông báo việc sửa lỗi kỹ thuật đó cho người tham gia hợp đồng, giao dịch.
Như vậy, văn bản công chứng bị sai sót trong khi ghi chép, đánh máy, in ấn thì tổ chức hành nghề công chứng được phép sửa lỗi nếu việc sửa lỗi đó không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia hợp đồng, giao dịch.
Việc sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó.
Người điểm chỉ vào văn bản công chứng thay cho việc ký tên thì có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu hay không?
Người có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu được quy định tại Điều 52 Luật Công chứng 2014, nội dung như sau:
Người có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu
Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.
Như vậy, nếu người bị run tay đã điểm chỉ thay cho việc ký vào văn bản công chứng là người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến văn bản công chứng thì có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu trong trường hợp có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hà Nội dành hơn 567 tỷ đồng tặng hơn 1,1 triệu suất quà cho đối tượng chính sách, hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025?
- Thỏa thuận trọng tài được lập trước hay sau khi xảy ra tranh chấp? Thỏa thuận trọng tài qua email có hiệu lực hay không?
- Ngày 10 tháng 12 là ngày gì? Ngày 10 tháng 12 năm nay là ngày bao nhiêu âm lịch? Có phải là ngày nghỉ lễ của người lao động?
- Chậm thực hiện nghĩa vụ là gì? Lãi suất phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền được xác định như thế nào?
- Mẫu phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng từ 1/1/2025 theo Thông tư 52/2024?