Khi thực hành quyền công tố trong một vụ án hình sự mà có nhiều Kiểm sát viên cùng tham gia thì ai có quyền phân công, chỉ đạo?
- Khi thực hành quyền công tố trong một vụ án hình sự mà có nhiều Kiểm sát viên cùng tham gia thì ai có quyền phân công, chỉ đạo?
- Khi thực hành quyền công tố trong một vụ án hình sự theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên có nhiệm vụ và quyền hạn gì?
- Việc phân công, tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong từng đơn vị Viện kiểm sát về việc thực hành quyền công tố được thực hiện như thế nào?
Khi thực hành quyền công tố trong một vụ án hình sự mà có nhiều Kiểm sát viên cùng tham gia thì ai có quyền phân công, chỉ đạo?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 5 Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự (sau đây gọi chung là Quy chế) ban hành kèm theo Quyết định 505/QĐ-VKSTC năm 2017 quy định như sau:
Quan hệ công tác
...
4. Trường hợp vụ án có nhiều Kiểm sát viên tham gia giải quyết thì Kiểm sát viên ở ngạch thấp hơn phải tuân theo sự phân công, chỉ đạo của Kiểm sát viên ở ngạch cao hơn.
Trường hợp vụ án có nhiều Kiểm sát viên cùng ngạch tham gia giải quyết thì Viện trưởng quyết định phân công một Kiểm sát viên chịu trách nhiệm chính.
Trường hợp vụ án có cả Kiểm sát viên và Kiểm tra viên tham gia giải quyết thì Kiểm tra viên phải tuân theo sự chỉ đạo của Kiểm sát viên.
Như vậy, khi thực hành quyền công tố trong một vụ án hình sự mà có nhiều kiểm sát viên cùng tham gia Kiểm sát viên ở ngạch thấp hơn phải tuân theo sự phân công, chỉ đạo của Kiểm sát viên ở ngạch cao hơn.
Trường hợp vụ án có nhiều Kiểm sát viên cùng ngạch tham gia giải quyết thì Viện trưởng quyết định phân công một Kiểm sát viên chịu trách nhiệm chính.
Trường hợp vụ án có cả Kiểm sát viên và Kiểm tra viên tham gia giải quyết thì Kiểm tra viên phải tuân theo sự chỉ đạo của Kiểm sát viên.
Thực hành quyền công tố (Hình từ Internet)
Khi thực hành quyền công tố trong một vụ án hình sự theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên có nhiệm vụ và quyền hạn gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 505/QĐ-VKSTC năm 2017 quy định như sau:
Quan hệ công tác
...
2. Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 41 Bộ luật Tố tụng hình sự; Kiểm sát viên được Viện trưởng phân công thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 42 Bộ luật Tố tụng hình sự và quy định của Quy chế này. Thẩm quyền ký, ký thay, ký thừa lệnh, ký thừa ủy quyền đối với văn bản thuộc Viện kiểm sát các cấp được thực hiện theo Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế này.
...
Và căn cứ theo Điều 42 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:
- Kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm của cơ quan, người có thẩm quyền;
- Trực tiếp giải quyết và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm;
- Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; kiểm sát việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc lập hồ sơ vụ án của cơ quan, người có thẩm quyền điều tra; kiểm sát hoạt động khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Trực tiếp kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, khám xét;
- Kiểm sát việc tạm đình chỉ, phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; việc tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra, phục hồi điều tra, kết thúc điều tra;
- Đề ra yêu cầu điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã, đình nã bị can;
- Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, người làm chứng, bị hại, đương sự; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;
- Quyết định áp giải người bị bắt, bị can; quyết định dẫn giải người làm chứng, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại; quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát; quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội;
- Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật này;
- Yêu cầu thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; yêu cầu cử, đề nghị thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật;
- Tiến hành tố tụng tại phiên tòa; công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn, các quyết định khác của Viện kiểm sát về việc buộc tội đối với bị cáo; xét hỏi, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, luận tội, tranh luận, phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa, phiên họp;
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử của Tòa án và những người tham gia tố tụng; kiểm sát bản án, quyết định và các văn bản tố tụng khác của Tòa án;
- Kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án;
- Thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật này.
Ngoài ra, Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố có những nhiệm vụ và quyền hạn theo Quy chế này.
Việc phân công, tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong từng đơn vị Viện kiểm sát về việc thực hành quyền công tố được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 505/QĐ-VKSTC năm 2017 quy định như sau:
Quan hệ công tác
...
5. Việc phân công, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong từng đơn vị, từng cấp Viện kiểm sát được thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị, Viện kiểm sát đó.
Như vây, việc phân công, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong từng đơn vị Viện kiểm sát về việc thực hành quyền công tố được thưc hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị, Viện kiểm sát đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thuế có phải là một khoản nộp bắt buộc? Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc nộp tiền thuế là gì?
- Hợp tác xã có phải đối tượng được Nhà nước hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hay không?
- Hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được xây dựng để làm gì? Thông tin trong hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được điều chỉnh khi nào?
- Viên chức lý lịch tư pháp hạng I, hạng II, hạng III có nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ thế nào?
- Mã số thông tin của công trình xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng được khởi tạo khi nào?