Khi thực hiện giao dịch từ xa với người tiêu dùng, cá nhân kinh doanh có phải cung cấp thông tin về mã số thuế cá nhân không?
- Khi thực hiện giao dịch từ xa với người tiêu dùng, cá nhân kinh doanh có phải cung cấp thông tin về mã số thuế cá nhân không?
- Trường hợp cá nhân kinh doanh cung cấp không chính xác về mã số thuế cá nhân thì người tiêu dùng có thể đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết không?
- Cá nhân kinh doanh phải hoàn trả cho người tiêu dùng khoản tiền nào khi người tiêu dùng đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết?
Khi thực hiện giao dịch từ xa với người tiêu dùng, cá nhân kinh doanh có phải cung cấp thông tin về mã số thuế cá nhân không?
Căn cứ theo Điều 37 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa như sau:
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa
1. Khi thực hiện giao dịch từ xa, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp chính xác và đầy đủ cho người tiêu dùng các thông tin sau đây:
a) Tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có) của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc của đại diện của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam (nếu có);
b) Số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc mã số doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác đối với tổ chức kinh tế; mã số thuế cá nhân đối với cá nhân;
c) Đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;
d) Chi phí giao hàng (nếu có);
đ) Phương thức, thời hạn thanh toán; thời gian, địa điểm, phương thức bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; điều kiện và phương thức đổi, trả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;
e) Thời gian có hiệu lực của đề nghị thực hiện giao dịch;
g) Thông tin về các khoản phí, chi phí, thuế giá trị gia tăng, cách thức tính phí, chi phí có thể phát sinh và các điều kiện giao dịch chung áp dụng trong quá trình cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng;
h) Chi tiết về công dụng, cách thức sử dụng, bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;
i) Quyền của người tiêu dùng quy định tại khoản 3 Điều 38 của Luật này;
k) Quy trình xử lý việc đổi, trả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết;
l) Quy trình tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.
...
Như vậy, khi thực hiện giao dịch từ xa với người tiêu dùng, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm phải cung cấp thông tin về mã số thuế cá nhân của mình.
Lưu ý: Trường hợp giao dịch được thực hiện thông qua điện thoại hoặc hình thức liên lạc, đàm thoại khác thì cá nhân kinh doanh có trách nhiệm phải thông tin ngay từ đầu về tên, địa chỉ của mình và mục đích của cuộc đàm thoại cho người tiêu dùng.
Trường hợp giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thực hiện quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, pháp luật về thương mại điện tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khi thực hiện giao dịch từ xa với người tiêu dùng, cá nhân kinh doanh có phải cung cấp thông tin về mã số thuế cá nhân không? (Hình từ Internet)
Trường hợp cá nhân kinh doanh cung cấp không chính xác về mã số thuế cá nhân thì người tiêu dùng có thể đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 như sau:
Giao kết hợp đồng trong giao dịch từ xa
...
3. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ thông tin quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này, người tiêu dùng có quyền sau đây:
a) Thỏa thuận lựa chọn cách thức xử lý hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh;
b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Người tiêu dùng không phải trả bất kỳ chi phí nào dưới mọi hình thức để chấm dứt thực hiện hợp đồng, trừ chi phí đối với phần sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã sử dụng;
c) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng vô hiệu hoặc hủy bỏ hợp đồng theo quy định của pháp luật về dân sự.
...
Như vậy, trường hợp cá nhân kinh doanh cung cấp không chính xác về mã số thuế cá nhân thì người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng.
Đồng thời, người tiêu dùng không phải trả bất kỳ chi phí nào dưới mọi hình thức để chấm dứt thực hiện hợp đồng, trừ chi phí đối với phần sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã sử dụng.
Cá nhân kinh doanh phải hoàn trả cho người tiêu dùng khoản tiền nào khi người tiêu dùng đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết?
Theo khoản 4 Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 thì cá nhân kinh doanh phải hoàn trả cho người tiêu dùng khoản tiền đã thanh toán tương ứng với phần sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chưa sử dụng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người tiêu dùng tuyên bố đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng.
Quá thời hạn trên thì cá nhân kinh doanh phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất do hai bên thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật về dân sự.
Việc hoàn trả được thực hiện theo phương thức mà người tiêu dùng đã thanh toán, trừ trường hợp người tiêu dùng đồng ý thanh toán bằng phương thức khác.
Lưu ý: Trường hợp việc chấm dứt thực hiện hợp đồng gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì cá nhân kinh doanh phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bài tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam 9 1 2025? Bài tuyên truyền ngày học sinh sinh viên?
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?