Khi tổ chức thi hành án thì Thừa phát lại có được tạm giữ tài sản của người phải thi hành án hay không?
Khi tổ chức thi hành án Thừa phát lại có được tạm giữ tài sản của người phải thi hành án hay không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 52 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thi hành án của Thừa phát lại như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thi hành án của Thừa phát lại
...
2. Khi tổ chức thi hành án, Thừa phát lại không được thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 66, Điều 71, Điều 72 của Luật Thi hành án dân sự;
b) Sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định tại khoản 9 Điều 20 của Luật Thi hành án dân sự;
c) Xử phạt vi phạm hành chính;
d) Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án theo quy định tại Điều 74 của Luật Thi hành án dân sự;
đ) Yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự;
e) Các quyền yêu cầu Tòa án xác định người có quyền sở hữu, sử dụng tài sản, giấy tờ tạm giữ; xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản; giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 68, khoản 3 Điều 69 và khoản 2 Điều 102 của Luật Thi hành án dân sự.
Theo đó, Thừa phát lại khi tổ chức thi hành án thì sẽ không được áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án. Dẫn chiếu đến Điều 66 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định các biện pháp bảo đảm thi hành án bao gồm:
- Phong toả tài khoản;
- Tạm giữ tài sản, giấy tờ;
- Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.
Như vậy, theo quy định nêu trên, khi tổ chức thì hành án thì Thừa phát lại không được phép tạm giữ tài sản hay giấy tờ của người phải thi hành án.
Thừa phát lại tổ chức thi hành án (Hình từ Internet)
Thừa phát lại có những quyền gì khi tổ chức thi hành án?
Theo khoản 1 Điều 52 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì khi tổ chức thi hành án, Thừa phát lại sẽ có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
Nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thi hành án của Thừa phát lại
1. Khi tổ chức thi hành án, Thừa phát lại có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Thực hiện kịp thời, đúng nội dung quyết định thi hành án được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ban hành theo đề nghị của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
b) Mời đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án;
c) Kiến nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự xem xét sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án đã ban hành theo đề nghị của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại;
d) Xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án.
Trường hợp nào việc thi hành án dân sự sẽ bị tạm đình chỉ?
Tại Điều 49 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định về việc tạm đình chỉ thi hành án dân sự như sau:
Tạm đình chỉ thi hành án
1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Trường hợp bản án, quyết định đã được thi hành một phần hoặc toàn bộ thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo ngay bằng văn bản cho người đã kháng nghị.
Trong thời gian tạm đình chỉ thi hành án do có kháng nghị thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án.
2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Toà án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án.
Thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án.
...
Như vậy, việc thi hành án dân sự sẽ bị tạm đình chỉ khi thuộc một trong 02 trường hợp sau đây:
- Có quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;
- Nhận được thông báo của Toà án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lĩnh vực nông nghiệp của hợp tác xã gồm những ngành nào? Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được phân loại như thế nào?
- Thuế có phải là một khoản nộp bắt buộc? Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc nộp tiền thuế là gì?
- Hợp tác xã có phải đối tượng được Nhà nước hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hay không?
- Hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được xây dựng để làm gì? Thông tin trong hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được điều chỉnh khi nào?
- Viên chức lý lịch tư pháp hạng I, hạng II, hạng III có nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ thế nào?