Khi trả lương cho người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội thì cần lưu ý điều gì?
- Người lao động cao tuổi phải là đối tượng cần được bảo vệ thuộc Chính sách của Nhà nước về lao động không?
- Khi trả lương cho người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội thì cần lưu ý điều gì?
- Khi sử dụng người lao động cao tuổi thực hiện những hành vi nào thì người sử dụng lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính?
Người lao động cao tuổi phải là đối tượng cần được bảo vệ thuộc Chính sách của Nhà nước về lao động không?
Theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Chính sách của Nhà nước về lao động
1. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.
2. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, quản lý lao động đúng pháp luật, dân chủ, công bằng, văn minh và nâng cao trách nhiệm xã hội.
3. Tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tạo việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động; áp dụng một số quy định của Bộ luật này đối với người làm việc không có quan hệ lao động.
4. Có chính sách phát triển, phân bố nguồn nhân lực; nâng cao năng suất lao động; đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; hỗ trợ duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động; ưu đãi đối với người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
5. Có chính sách phát triển thị trường lao động, đa dạng các hình thức kết nối cung, cầu lao động.
6. Thúc đẩy người lao động và người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
7. Bảo đảm bình đẳng giới; quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên.
Như vậy, người lao động cao tuổi phải là một trong những đối tượng cần được bảo vệ thuộc Chính sách của Nhà nước về lao động.
Ngoài người lao động cao tuổi còn có các được tượng mà chính sách của Nhà nước về lao động bảo vệ như lao động nữ, lao động là người khuyết tật và lao động chưa thành niên.
Người lao động cao tuổi (Hình từ Internet)
Khi trả lương cho người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội thì cần lưu ý điều gì?
Theo quy định tại Điều 148 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Người lao động cao tuổi
1. Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này.
2. Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
3. Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Và tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:
Tuổi nghỉ hưu
...
2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
...
Như vậy thì có thể hiểu người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi được quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật lao động 2019 như trên.
Bên cạnh đó, tại Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 cũng có quy định:
Sử dụng người lao động cao tuổi
1. Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
2. Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.
3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.
Do đó, trong trường hợp này chị sẽ căn cứ vào hợp đồng lao động mà đơn vị đã ký kết để trả lương cho người lao động này.
Ngoài ra chị lưu ý thêm, trong trường hợp người lao động này đang hưởng lương hưu theo chế độ thì khi ký kết hợp đồng lao động sẽ không phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp nữa.
Tuy nhiên, ngoài việc trả lương cho người lao động cao tuổi theo công việc, đơn vị có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương cho người lao động này một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Khi sử dụng người lao động cao tuổi thực hiện những hành vi nào thì người sử dụng lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính?
Căn cứ theo Điều 31 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về người lao động cao tuổi, người khuyết tật
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi:
a) Không tham khảo ý kiến của người lao động là người khuyết tật khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ;
b) Sử dụng người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên hoặc khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
Như vậy, khi sử dụng người lao động cao tuổi mà thực hiện những hành vi trên thì người sử dụng lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Lưu ý: Mức phạt này áp dụng đối với cá nhân, còn tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt gấp 02 lần theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hướng dẫn các cách nộp lệ phí môn bài 2025? Nộp lệ phí môn bài online năm 2025 như thế nào?
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?