Kiểm soát viên công ty cổ phần có bắt buộc phải là cổ đông trong công ty không? Kiểm soát viên phải được đào tạo qua những chuyên ngành gì?
Kiểm soát viên công ty cổ phần có bắt buộc phải là cổ đông trong công ty không?
Căn cứ theo Điều 169 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tiêu chuẩn và điều kiện của Kiểm soát viên như sau:
Tiêu chuẩn và điều kiện của Kiểm soát viên
1. Kiểm soát viên phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
a) Không thuộc đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này;
b) Được đào tạo một trong các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
c) Không phải là người có quan hệ gia đình của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác;
d) Không phải là người quản lý công ty; không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
đ) Tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệ công ty.
2. Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, Kiểm soát viên công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty mẹ và tại công ty.
Theo đó, Kiểm soát viên của công ty cổ phần không bắt buộc phải là cổ đông hay người lao động của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
Cũng theo quy định nêu trên thì Kiểm soát viên công ty cổ phần phải được đào tạo một trong các chuyên ngành sau đây:
- Kinh tế, tài chính;
- Kế toán, kiểm toán;
- Luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiêu chuẩn và điều kiện của Kiểm soát viên (Hình từ Internet)
Nhiệm kỳ của Kiểm soát viên công ty cổ phần hiện nay là bao lâu?
Tại Điều 168 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Ban kiểm soát công ty cổ phần như sau:
Ban kiểm soát
1. Ban kiểm soát có từ 03 đến 05 Kiểm soát viên. Nhiệm kỳ của Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
2. Trưởng Ban kiểm soát do Ban kiểm soát bầu trong số các Kiểm soát viên; việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo nguyên tắc đa số. Quyền và nghĩa vụ của Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số Kiểm soát viên thường trú tại Việt Nam. Trưởng Ban kiểm soát phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.
3. Trường hợp Kiểm soát viên có cùng thời điểm kết thúc nhiệm kỳ mà Kiểm soát viên nhiệm kỳ mới chưa được bầu thì Kiểm soát viên đã hết nhiệm kỳ vẫn tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ cho đến khi Kiểm soát viên nhiệm kỳ mới được bầu và nhận nhiệm vụ.
Theo đó, nhiệm kỳ của Kiểm soát viên công ty cổ phần tối đa là 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
Nếu Kiểm soát viên không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có bị gì không?
Căn cứ theo Điều 174 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm Kiểm soát viên như sau:
Miễn nhiệm, bãi nhiệm Kiểm soát viên
1. Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm Kiểm soát viên trong trường hợp sau đây:
a) Không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm Kiểm soát viên theo quy định tại Điều 169 của Luật này;
b) Có đơn từ chức và được chấp thuận;
c) Trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.
2. Đại hội đồng cổ đông bãi nhiệm Kiểm soát viên trong trường hợp sau đây:
a) Không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được phân công;
b) Không thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;
c) Vi phạm nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của Kiểm soát viên theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty;
d) Trường hợp khác theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.
Như vậy, nếu như Kiểm soát viên không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được phân công thì có thể sẽ bị Đại hội đồng cổ đông bãi nhiệm.
Trên đây là một số quy định pháp luật hiện hành liên quan đến Kiểm soát viên trong công ty cổ phần mà chúng tôi cung cấp gửi đến bạn. Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống có phải tuân thủ về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt không?
- Ngày 8 1 là ngày gì? Ngày 8 1 2025 dương là bao nhiêu âm? Ngày 8 tháng 1 năm 2025 là thứ mấy?
- Bài tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam 9 1 2025? Bài tuyên truyền ngày học sinh sinh viên?
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?