Lao động người nước ngoài nghỉ việc có được trợ cấp thôi việc không? Quy định về chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động?
Quy định về chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trợ cấp thôi việc như sau:
- Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Theo quy định trên, nếu người lao động đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên và thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 thì sẽ được chi trả trợ cấp thôi việc.
Cách tính thời gian làm việc để chi trả trợ cấp thôi việc là bằng tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
Lao động người nước ngoài nghỉ việc có được trợ cấp thôi việc không?
Lao động nước ngoài có thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp hay không?
Tại Điều 43 Luật Việc làm 2013 quy định các đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trong đó loại trừ đối tượng là người lao động nước ngoài, vì theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 của Luật này thì người lao động trong trường hợp điều chỉnh của Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc.
Như vậy, người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Chính vì thế, căn cứ vào khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019, trong trường hợp này người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chi trả vào kỳ trả lương cho người lao động nước ngoài một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho họ.
"Điều 168. Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
...
3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.”
Có cần chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động nước ngoài không?
Như đã trình bày, ngay từ đầu nếu người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì Công ty đã phải chi trả thêm vào kỳ trả lương cho họ một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì:
"Điều 8. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm
...
3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trong đó:
...
b) Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp."
Từ quy định trên thì có thể hiểu nếu ngay từ đầu công ty chi trả cùng lúc vào tiền lương một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp thì xem như trường hợp này được xác định là "người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp”.
Tiếp theo, trong các trường hợp được tính chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định bên trên, không có liệt kê trường hợp tại khoản 12 Điều 34 là "Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này".
Mà theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Lao động 2019 thì những trường hợp sau được xem là Giấy phép lao động hết hiệu lực:
“Điều 156. Các trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực
1. Giấy phép lao động hết thời hạn.
2. Chấm dứt hợp đồng lao động…”
Vì vậy, nếu trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động thì được xem là trường hợp Giấy phép lao động hết hiệu lực, trong trường hợp này về nguyên tắc căn cứ vào những quy định đã trình bày thì người sử dụng lao động không cần phải chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động vì ngay từ ban đầu phía Công ty đã phải có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương cho họ một khoản tiền tương đương cho họ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lỗi nghe điện thoại khi lái xe ô tô 2025 phạt bao nhiêu tiền? Nghe điện thoại khi lái xe ô tô 2025 bị trừ bao nhiêu điểm?
- Đáp án bảng C tuần 2 cuộc thi trực tuyến tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh ra sao?
- Hoàn thành nhiệm vụ có được thưởng theo Nghị định 73? Nếu có thì được thưởng bao nhiêu theo Nghị định 73?
- Chất là gì? Lượng là gì? Ví dụ về chất, lượng? Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên nguyên tắc gì?
- Bài phát biểu ngày truyền thống học sinh sinh viên 9 1 2025 hay ý nghĩa? Hội Sinh viên Việt Nam là gì?