Lỗi vi phạm khi tham gia giao thông mà nhiều người dễ mắc phải nhất? Điều khiển phương tiện với tốc độ thấp phải đi về bên phải đúng không?
Lỗi vi phạm khi tham gia giao thông mà nhiều người dễ mắc phải nhất?
Hiện nay, có rất nhiều người mắc lỗi vi phạm khi tham gia giao thông, bao gồm một số lỗi phổ biến như lỗi đi sai làn đường, lỗi rẻ không xi nhan, lỗi quên bật đèn xe, lỗi vượt phải. Trong đó, lỗi đi sai làn đường hay còn gọi là lấn tuyến là lỗi mà nhiều người tham gia giao thông dễ mắc phải nhất.
Theo đó, mức phạt lỗi đi sai làn đường sẽ tuỳ vào từng trường hợp, cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Mức phạt đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự (kể cả xe máy điện) đi sai làn đường được quy định tại Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
- Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với hành vi đi không đúng phần đường, làn đường quy định.
- Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường mà gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 4.000.000 – 5.000.000 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng GPLX từ 02 - 04 tháng.
Trường hợp 2: Mức phạt đối với xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô đi sai làn đường được quy định tại Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm đ khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đồng đối với hành vi đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định. Đồng thời bị tước quyền sử dụng GPLX từ 01 - 03 tháng.
- Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 10.000.000 – 12.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng GPLX từ 02 - 04 tháng.
Trường hợp 3: Mức phạt đối với xe máy kéo, xe máy chuyên dùng đi sai làn đường được quy định tại Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
- Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với hành vi đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định. Đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng;
- Trường hợp đi không đúng phần đường, làn đường gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng.
Trường hợp 4: Mức phạt đối với xe đạp, xe đạp máy và xe đạp điện, xe thô sơ đi sai làn đường được quy định tại Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP là từ 80.000 - 100.000 đồng.
Lỗi vi phạm khi tham gia giao thông mà nhiều người dễ mắc phải nhất? Điều khiển phương tiện với tốc độ thấp phải đi về bên phải đúng không? (Hình từ Internet)
Điều khiển phương tiện với tốc độ thấp phải đi về bên phải đúng không?
Căn cứ Điều 13 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về việc sử dụng làn đường như sau:
Sử dụng làn đường
1. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
2. Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
3. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.
Như vậy, theo quy định, phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.
Để tránh vi phạm khi tham gia giao thông, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy phải lưu ý điều gì?
Căn cứ quy định tại Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì để tránh mắc lỗi vi phạm khi tham gia giao thông, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy phải lưu ý như sau:
(1) Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:
- Chở người bệnh đi cấp cứu;
- Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
- Trẻ em dưới 14 tuổi.
(2) Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
(3) Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:
- Đi xe dàn hàng ngang;
- Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;
- Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;
- Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh;
- Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
- Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
(4) Người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi sau đây:
- Mang, vác vật cồng kềnh;
- Sử dụng ô;
- Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác;
- Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái;
- Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thông tư 50 2024 quy định ngân hàng không gửi tin nhắn SMS thư điện tử có chứa link cho khách hàng từ ngày 1 1 2025?
- Thông tư 36/2024 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe thế nào?
- Mẫu bản nhận xét đánh giá cán bộ 3 năm gần nhất? Cách viết bản nhận xét đánh giá cán bộ 3 năm gần nhất chi tiết?
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng bao gồm các thông tin nào về dự án đầu tư xây dựng?
- Đu trend nhìn lên bầu trời sẽ thấy vì tinh tú có bị xử phạt hành chính không? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?