Mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp là gì? Mã số doanh nghiệp, mã số đơn vị trực thuộc được tạo và cấp cho doanh nghiệp theo quy trình ra sao?
Mỗi doanh nghiệp được cấp tối đa bao nhiêu mã số doanh nghiệp?
Theo khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định mã số doanh nghiệp của doanh nghiệp như sau:
Mã số doanh nghiệp, mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, mã số địa điểm kinh doanh
1. Mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế và mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.
2. Mã số doanh nghiệp tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp và không được cấp lại cho tổ chức, cá nhân khác. Khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì mã số doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực.
3. Mã số doanh nghiệp được tạo, gửi, nhận tự động bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin đăng ký thuế và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
4. Cơ quan quản lý nhà nước thống nhất sử dụng mã số doanh nghiệp để thực hiện công tác quản lý nhà nước và trao đổi thông tin về doanh nghiệp.
...
Căn cứ quy định trên thì mỗi doanh nghiệp chỉ được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế và mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.
- Mã số doanh nghiệp tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp và không được cấp lại cho tổ chức, cá nhân khác. Khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì mã số doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực.
- Mã số doanh nghiệp được tạo, gửi, nhận tự động bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin đăng ký thuế và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Lưu ý:
- Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế do vi phạm pháp luật về thuế thì doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện không được sử dụng mã số thuế trong các giao dịch kinh tế kể từ ngày Cơ quan thuế thông báo công khai về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
- Đối với các doanh nghiệp đã được thành lập và hoạt động theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương, Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, mã số doanh nghiệp là mã số thuế do Cơ quan thuế đã cấp cho doanh nghiệp.
Mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp được quy định thế nào?
Theo khoản 5 Điều 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định mã số doanh nghiệp, mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp như sau:
Mã số doanh nghiệp, mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, mã số địa điểm kinh doanh
...
5. Mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp được cấp cho chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế của chi nhánh, văn phòng đại diện.
...
Theo đó, mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp được cấp cho chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế của chi nhánh, văn phòng đại diện.
Lưu ý: Đối với các chi nhánh, văn phòng đại diện đã thành lập trước ngày 01 tháng 11 năm 2015 nhưng chưa được cấp mã số đơn vị phụ thuộc, doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với Cơ quan thuế để được cấp mã số thuế 13 số, sau đó thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký hoạt động tại Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định.
Mã số doanh nghiệp, mã số đơn vị trực thuộc được tạo và cấp cho doanh nghiệp theo quy trình ra sao? (Hình từ Internet)
Mã số doanh nghiệp, mã số đơn vị trực thuộc được tạo và cấp cho doanh nghiệp theo quy trình ra sao?
Theo khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC quy định việc tạo và cấp mã số doanh nghiệp, mã số đơn vị trực thuộc được thực hiện theo quy trình sau:
(1) Khi hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động đơn vị trực thuộc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đơn vị trực thuộc, Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp truyền thông tin đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động đơn vị trực thuộc sang Hệ thống thông tin đăng ký thuế.
Danh mục thông tin truyền từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang Hệ thống thông tin đăng ký thuế trong trường hợp đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động đơn vị trực thuộc quy định chi tiết tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC, Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC.
(2) Hệ thống thông tin đăng ký thuế nhận thông tin đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động đơn vị trực thuộc từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp truyền sang và tự động kiểm tra sự phù hợp của thông tin.
Trường hợp thông tin phù hợp, Hệ thống thông tin đăng ký thuế tự động tạo mã số doanh nghiệp và thực hiện phân cấp cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp; đồng thời truyền thông tin về mã số doanh nghiệp, thông tin cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp sang Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp thông tin không phù hợp, Hệ thống thông tin đăng ký thuế tự động phản hồi về việc thông tin không phù hợp và truyền sang Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Danh mục thông tin phản hồi từ Hệ thống thông tin đăng ký thuế sang Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp quy định chi tiết tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC .
(3) Trên cơ sở thông tin do Hệ thống thông tin đăng ký thuế cung cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh xử lý như sau:
Trường hợp nhận được mã số do Hệ thống thông tin đăng ký thuế truyền sang, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đơn vị trực thuộc và gửi Thông báo về cơ quan thuế quản lý đến doanh nghiệp.
Mẫu Thông báo về cơ quan thuế quản lý quy định tại Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT.
Trường hợp nhận được phản hồi của Hệ thống thông tin đăng ký thuế về việc thông tin không phù hợp, Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra lại dữ liệu so với hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp, gửi thông báo đề nghị doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo quy định.
Trường hợp Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhận được mã số từ Hệ thống thông tin đăng ký thuế nhưng Phòng Đăng ký kinh doanh không cấp Giấy chứng nhận cho doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc, Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp truyền thông tin sang Hệ thống thông tin đăng ký thuế để hủy mã số đã tạo.
(4) Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp truyền thông tin về việc cấp Giấy chứng nhận sang Hệ thống thông tin đăng ký thuế.
Danh mục thông tin truyền từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang Hệ thống thông tin đăng ký thuế xác nhận việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đơn vị trực thuộc quy định chi tiết tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thuế có phải là một khoản nộp bắt buộc? Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc nộp tiền thuế là gì?
- Hợp tác xã có phải đối tượng được Nhà nước hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hay không?
- Hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được xây dựng để làm gì? Thông tin trong hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được điều chỉnh khi nào?
- Viên chức lý lịch tư pháp hạng I, hạng II, hạng III có nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ thế nào?
- Mã số thông tin của công trình xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng được khởi tạo khi nào?