Mã số thuế là gì? Cá nhân có cần phải đăng ký mã số thuế cá nhân không? Cách tra cứu mã số thuế cá nhân như thế nào?
Khái niệm mã số thuế?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật quản lý thuế 2019 quy định về định thuế như sau:
“Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế.”
Khái niệm mã số thuế được quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật quản lý thuế 2019 quy định về mã số thuế như sau:
“Mã số thuế là một dãy số gồm 10 chữ số hoặc 13 chữ số và ký tự khác do cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế dùng để quản lý thuế”
>>> Xem thêm: Tổng hợp Tờ khai đăng ký thuế mới nhất 2024 tải về
Đối tượng đăng ký thuế và cấp mã số thuế?
Pháp luật có quy định đối tượng đăng ký thuế quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật quản lý thuế 2019 như sau:
- Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan;
Tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Cấu trúc mã số thuế bao gồm 10 chữ số hoặc 13 chữ số được quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật quản lý thuế 2019 quy định như sau:
"a) Mã số thuế 10 chữ số được sử dụng cho doanh nghiệp, tổ chức có tư cách pháp nhân; đại diện hộ gia đình, hộ kinh doanh và cá nhân khác;
b) Mã số thuế 13 chữ số và ký tự khác được sử dụng cho đơn vị phụ thuộc và các đối tượng khác;
c) Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết khoản này."
Mã số thuế được cấp như thế nào?
Theo như quy định của pháp luật về thuế có quy định cụ thể mã số thuế được cấp như sau:
Cụ thể tại khoản 3 Điều 30 Luật quản lý thuế 2019 có quy định:
- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được cấp 01 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt quá trình hoạt động từ khi đăng ký thuế cho đến khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Người nộp thuế có chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc trực tiếp thực hiện nghĩa vụ thuế thì được cấp mã số thuế phụ thuộc. Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc thực hiện đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì mã số ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đồng thời là mã số thuế;
- Cá nhân được cấp 01 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó. Người phụ thuộc của cá nhân được cấp mã số thuế để giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Mã số thuế cấp cho người phụ thuộc đồng thời là mã số thuế của cá nhân khi người phụ thuộc phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước;
- Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay được cấp mã số thuế nộp thay để thực hiện khai thuế, nộp thuế thay cho người nộp thuế;
- Mã số thuế đã cấp không được sử dụng lại để cấp cho người nộp thuế khác;
- Mã số thuế của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác sau khi chuyển đổi loại hình, bán, tặng, cho, thừa kế được giữ nguyên;
- Mã số thuế cấp cho hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là mã số thuế cấp cho cá nhân người đại diện hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Những người nào cần nộp thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định những đối tượng cần phải nộp thuế như sau:
- Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
- Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công, phụ cấp quốc phòng, an ninh, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động, các khoản trợ cấp khác do Bảo hiểm xã hội chi trả, trợ cấp giải quyết tệ nạn xã hội;
- Tiền thù lao dưới các hình thức;
- Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý và các tổ chức;
- Các khoản lợi ích khác mà đối tượng nộp thuế nhận được bằng tiền hoặc không bằng tiền;
- Tiền thưởng, trừ các khoản tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế, tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo điểm b.1 khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định:
b.1) Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ ba (03) tháng trở lên tại nhiều nơi.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì cá nhân có đăng ký hợp đồng lao động trên ba tháng và lương phải trên 11.000.000 triệu đồng (Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14) thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Trong trường hợp của anh/chị, do anh chị đã làm việc tại Công ty và được ký hợp đồng lao động đã được 6 tháng. Vì vậy, phía Công ty sẽ đăng ký mã số thuế cho anh/chị, nhưng do lương của anh/chị không trên 11.000.000 triệu đồng nên sẽ không cần phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Kiểm tra mã số thuế cá nhân như thế nào?
Anh/chị có thể lên website chính thống của Tổng cục thuế - Bộ tài chính để kiểm tra thông tin của mình.
Các bước tra cứu dễ dàng:
Bước 1: Truy cập trang web Tổng cục thuế - Bộ tài chính địa chỉ website: https://www.gdt.gov.vn/wps/portal;
Bước 2: Chọn cửa sổ Dịch vụ công;
Bước 3: Chọn Tra cứu thông tin người nộp thuế;
Bước 4: Điền đầy đủ các thông tin tại cửa sổ “Thông tin về người nộp thuế”.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cách viết ý kiến nhận xét chi ủy nơi cư trú đối với đảng viên dự bị? Thời gian làm Đảng viên dự bị là bao lâu?
- Mẫu báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền?
- Mẫu Bản khai đăng ký tên định danh dùng trong quảng cáo bằng tin nhắn, gọi điện thoại là mẫu nào? Tên định danh có bao nhiêu ký tự?
- Hà Nội dành hơn 567 tỷ đồng tặng hơn 1,1 triệu suất quà cho đối tượng chính sách, hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025?
- Thỏa thuận trọng tài được lập trước hay sau khi xảy ra tranh chấp? Thỏa thuận trọng tài qua email có hiệu lực hay không?