Mẫu đơn khởi kiện đòi tiền cọc mua bán nhà đất mới nhất? Cách viết đơn khởi kiện đòi tiền cọc mua bán nhà đất?
Mẫu đơn khởi kiện đòi tiền cọc mua bán nhà đất mới nhất?
Hiện nay, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2024 và các văn bản pháp luật liên quan không quy định cụ thể Mẫu đơn khởi kiện đòi tiền cọc mua bán nhà đất.
Tuy nhiên, có thể sử dụng mẫu đơn khởi kiện ltheo Mẫu số 23-DS Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP để khởi kiện đòi tiền cọc mua bán nhà đất. Đơn khởi kiện có dạng như sau:
Tải về Mẫu đơn khởi kiện đòi tiền cọc mua bán nhà đất mới nhất
Mẫu đơn khởi kiện đòi tiền cọc mua bán nhà đất mới nhất? Cách viết đơn khởi kiện đòi tiền cọc mua bán nhà đất? (Hình từ Internet)
Cách viết đơn khởi kiện đòi tiền cọc mua bán nhà đất? Nghĩa vụ của các bên khi ký hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất?
Cách viết đơn khởi kiện đòi tiền cọc mua bán nhà đất:
Căn cứ theo Mẫu số 23-DS Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP thì việc ghi đơn khởi kiện đòi tiền cọc mua bán nhà đất ghi như sau:
(1) Ghi địa điểm làm đơn khởi kiện (ví dụ: Hà Nội, ngày….. tháng….. năm……).
(2) Ghi tên Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi rõ Toà án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân huyện A thuộc tỉnh B), nếu là Toà án nhân dân cấp tỉnh, thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên) và địa chỉ của Toà án đó.
(3) Nếu người khởi kiện là cá nhân thì ghi họ tên;
- Trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó;
- Nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì ghi tên cơ quan, tổ chức và ghi họ, tên của người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện đó.
(4) Ghi nơi cư trú tại thời điểm nộp đơn khởi kiện. Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú (ví dụ: Nguyễn Văn A, cư trú tại thôn B, xã C, huyện M, tỉnh H); nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, thì ghi địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó (ví dụ: Công ty TNHH Hin Sen có trụ sở: Số 20 phố LTK, quận HK, thành phố H).
(5), (7), (9) và (12) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (3).
(6), (8), (10) và (13) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (4).
(11) Nêu cụ thể từng vấn đề yêu cầu Toà án giải quyết.
(14) Ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những tài liệu nào và phải đánh số thứ tự (ví dụ: các tài liệu kèm theo đơn gồm có: bản sao hợp đồng mua bán nhà, bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, …).
(15) Ghi những thông tin mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án (ví dụ: Người khởi kiện thông báo cho Toà án biết khi xảy ra tranh chấp một trong các đương sự đã đi nước ngoài chữa bệnh…).
(16) Nếu người khởi kiện là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện đó;
- Trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp đó phải ký tên điểm chỉ;
- Trường hợp người khởi kiện, người đại diện hợp pháp không biết chữ, không nhìn được, không tự mình làm đơn khởi kiện, không tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
- Nếu là cơ quan tổ chức khởi kiện, thì người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó. Trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.
- Nếu người khởi kiện không biết chữ thì phải có người làm chứng ký xác nhận theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Theo khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015, đặt cọc là việc một bên (bên đặt cọc) giao cho bên kia (bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Theo khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
Đặt cọc
...
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo đó, nghĩa vụ của các bên khi ký hợp đồng đặt cọc như sau:
Trường hợp 1: Hợp đồng được giao kết, thực hiện
Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Thông thường khoản tiền này sẽ được tính vào tiền mua.
Trường hợp 2: Hợp đồng không được giao kết, thực hiện
- Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc.
- Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc (trả lại tiền đặt cọc và bị “phạt cọc” một khoản tiền tương đương với số tiền đặt cọc).
Lưu ý: Trong trường hợp 2 các bên có thể thỏa thuận khác (nếu các bên có thỏa thuận khác mà không trái với pháp luật, đạo đức xã hội thì thực hiện theo thỏa thuận đó).
Bị lừa dối khi ký hợp đồng đặt cọc thì được xử lý như thế nào?
Căn cứ Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép như sau:
Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.
Theo đó, lừa dối trong hợp đồng đặt cọc được hiểu là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của hợp đồng đặt cọc nên đã xác lập giao dịch đó.
Như vậy, trường hợp bị lừa dối khi ký hợp đồng đặt cọc thì người bị lừa đối có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng đặt cọc vô hiệu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy trình đánh giá xếp loại thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp của các cấp công đoàn theo Hướng dẫn 90?
- Tiền học thêm được thu và quản lý thế nào theo Thông tư 29/2024? Cơ sở dạy thêm có trách nhiệm gì trong quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm?
- Hồ sơ quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình trong danh mục hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng bao gồm những gì?
- Hàng hóa nguy hiểm được phân loại thế nào? Thuốc nổ là hàng hóa nguy hiểm được vận chuyển qua hầm không?
- Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định thế nào? Quy định về việc xác định tuổi của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi?