Mức kinh phí hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất trồng lúa được quy định như thế nào? Việc sử dụng kinh phí hỗ trợ được quy định ra sao?
Mức kinh phí hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất trồng lúa được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 7 Nghị định 35/2015/NĐ-CP quy định về hỗ trợ địa phương sản xuất lúa như sau:
Hỗ trợ địa phương sản xuất lúa
...
2. Ngoài hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành địa phương sản xuất lúa còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau:
a) Hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước;
b) Hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa khác, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.
3. Diện tích đất trồng lúa được hỗ trợ, được xác định theo số liệu thống kê đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố của năm liền kề trước năm phân bổ ngân sách.
4. Hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất trồng lúa:
a) Hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha đất trồng lúa, trừ đất trồng lúa nương được khai hoang từ đất chưa sử dụng hoặc phục hóa từ đất bị bỏ hóa. Trường hợp có nhiều quy định khác nhau, thì áp dụng nguyên tắc mỗi mảnh đất chỉ được hỗ trợ 1 lần, mức hỗ trợ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định;
b) Hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha đất chuyên trồng lúa nước được cải tạo từ đất trồng lúa nước một vụ hoặc đất trồng cây khác theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.
...
Theo đó, địa phương sản xuất lúa còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất trồng lúa là 10.000.000 đồng/ha đất trồng lúa, trừ đất trồng lúa nương được khai hoang từ đất chưa sử dụng hoặc phục hóa từ đất bị bỏ hóa.
Hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha đất chuyên trồng lúa nước được cải tạo từ đất trồng lúa nước một vụ hoặc đất trồng cây khác theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.
Đất trồng lúa (Hình từ Internet)
Việc lập dự toán kinh phí hỗ trợ địa phương sản xuất lúa được thực hiện như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư 18/2016/TT-BTC quy định về lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí như sau:
Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí
1. Về lập dự toán
a) Dự toán tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa: Hàng năm, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan, căn cứ vào kế hoạch chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp trên địa bàn, dự kiến khoản thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa để tổng hợp vào dự toán thu, chi ngân sách địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
b) Dự toán kinh phí hỗ trợ địa phương sản xuất lúa quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP: Hàng năm, căn cứ số liệu thống kê diện tích đất trồng lúa của năm liền kề trước năm xây dựng dự toán, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn các đơn vị trực thuộc xây dựng dự toán chi gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp vào dự toán chi ngân sách địa phương, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng thời gian báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm kế hoạch.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi bổ sung mục tiêu thực hiện chính sách hỗ trợ địa phương sản xuất lúa, trên cơ sở dự toán được giao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp, phân bổ số kinh phí này để thực hiện các nội dung chi theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này.
...
Theo đó, việc lập dự toán kinh phí hỗ trợ địa phương sản xuất lúa được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 nêu trên.
Việc sử dụng kinh phí hỗ trợ địa phương sản xuất lúa được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 8 Nghị định 35/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 62/2019/NĐ-CP quy định về sử dụng kinh phí hỗ trợ như sau:
Sử dụng kinh phí hỗ trợ
Ủy ban nhân dân các cấp sử dụng kinh phí do người được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước nộp và nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này để thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, địa phương sẽ quyết định thực hiện các việc sau:
1. Hỗ trợ cho người trồng lúa
Sử dụng không thấp hơn 50% kinh phí dùng hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
2. Phần kinh phí còn lại để thực hiện các việc sau:
a) Phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp;
b) Cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại: tăng độ dày của tầng canh tác; tôn cao đất trồng lúa trũng, thấp; tăng độ bằng phẳng mặt ruộng; thau chua, rửa mặn đối với đất bị nhiễm phèn, mặn và các biện pháp cải tạo đất khác;
c) Đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa;
d) Khai hoang, phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại.
Theo đó, việc sử dụng kinh phí hỗ trợ địa phương trồng lúa được sử dụng để hỗ trợ người trồng lúa và phần kinh phí còn lại để thực hiện các việc được quy định tại khoản 2 Điều 8 nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cơ sở dữ liệu về các loại tài sản công do cơ quan nào xây dựng? Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công bao gồm cơ sở dữ liệu nào?
- Ngân hàng giám sát là gì? Ngân hàng giám sát được thực hiện lưu ký tài sản của công ty đầu tư chứng khoán không?
- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng là gì? Nội dung quản lý chi phí đầu tư xây dựng bao gồm những gì?
- Thông tin chi tiết trong cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng gồm những gì? Thông tin này có phải là dữ liệu mở?
- Lĩnh vực nông nghiệp của hợp tác xã gồm những ngành nào? Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được phân loại như thế nào?