Mức xử phạt đối với hành vi không tiến hành quan trắc môi trường lao động để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động theo quy định mới nhất hiện nay là bao nhiêu?
Quan trắc môi trường lao động là gì?
Tại khoản 10 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định quan trắc môi trường lao động là hoạt động thu thập, phân tích, đánh giá số liệu đo lường các yếu tố trong môi trường lao động tại nơi làm việc để có biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp.
Nguyên tắc khi thực hiện quan trắc môi trường lao động được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 35 Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định về nguyên tắc thực hiện quan trắc môi trường lao động như sau:
(1) Thực hiện quan trắc đầy đủ yếu tố có hại được liệt kê trong Hồ sơ vệ sinh lao động do cơ sở lao động lập.
Đối với nghề, công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm, khi quan trắc môi trường lao động phải thực hiện đánh giá gánh nặng lao động và một số chỉ tiêu tâm sinh lý lao động Ec-gô-nô-my quy định tại Khoản 3 Điều 33 Nghị định này.
(2) Quan trắc môi trường lao động thực hiện theo đúng kế hoạch đã lập giữa cơ sở lao động và tổ chức đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động.
(3) Quan trắc môi trường lao động bảo đảm như sau:
- Thực hiện trong thời gian cơ sở lao động đang tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh;
- Lấy mẫu theo phương pháp lấy mẫu cá nhân và vị trí lấy mẫu được đặt tại vùng có khả năng ảnh hưởng đến người lao động;
- Đối với quan trắc môi trường lao động bằng phương pháp phát hiện nhanh khi kết quả có nghi ngờ, tổ chức quan trắc môi trường lao động lấy mẫu, phân tích bằng phương pháp phù hợp tại phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn.
(4) Yếu tố có hại cần quan trắc, đánh giá được bổ sung cập nhật trong Hồ sơ vệ sinh lao động trong trường hợp sau đây:
- Có thay đổi về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất hoặc khi thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở lao động mà có nguy cơ phát sinh yếu tố nguy hại mới đối với sức khỏe người lao động;
- Tổ chức quan trắc môi trường lao động đề xuất bổ sung khi thực hiện quan trắc môi trường lao động;
- Theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
(5) Tổ chức thực hiện quan trắc môi trường lao động được thanh toán chi phí quan trắc môi trường lao động; đánh giá tiếp xúc nghề nghiệp, báo cáo và phí quản lý do người sử dụng lao động chi trả theo quy định của pháp luật.
(6) Tổ chức quan trắc môi trường lao động báo cáo Bộ Y tế hoặc Sở Y tế về yếu tố có hại mới được phát hiện, phát sinh tại cơ sở lao động mà chưa có quy định về giới hạn cho phép.
Mức xử phạt đối với hành vi không tiến hành quan trắc môi trường lao động
Vi phạm quy định về quan trắc môi trường lao động sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định mới nhất hiện nay?
Theo khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và khoản 7 Điều 27 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về quan trắc môi trường lao động như sau:
(1) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức hoạt động quan trắc môi trường lao động có một trong các hành vi sau: không thực hiện báo cáo kết quả hoạt động hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có thay đổi về địa chỉ trụ sở, chi nhánh; không tham gia khóa huấn luyện cập nhật kiến thức về chính sách pháp luật, khoa học công nghệ về quan trắc môi trường lao động theo quy định.
(2) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi không công bố công khai cho người lao động tại nơi quan trắc môi trường lao động và nơi được kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm biết ngay sau khi có kết quả quan trắc môi trường lao động và kết quả kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc.
(3) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tiến hành quan trắc môi trường lao động để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động theo quy định của pháp luật.
(4) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi phối hợp với tổ chức hoạt động quan trắc môi trường lao động gian lận trong hoạt động quan trắc môi trường lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
(5) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với tổ chức hoạt động quan trắc môi trường lao động có một trong các hành vi sau: phối hợp với người sử dụng lao động gian lận trong hoạt động quan trắc môi trường lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; tiến hành quan trắc môi trường lao động không theo nguyên tắc, quy trình được pháp luật quy định.
(6) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với tổ chức hoạt động quan trắc môi trường lao động có hành vi cung cấp kết quả quan trắc môi trường mà không thực hiện quan trắc môi trường theo quy định hoặc thực hiện quan trắc môi trường lao động trong thời gian bị đình chỉ hoạt động quan trắc môi trường lao động.
(7) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ quan trắc môi trường lao động khi có một trong các hành vi sau đây:
- Cung cấp dịch vụ quan trắc môi trường lao động nhưng chưa được công bố đủ điều kiện hoạt động quan trắc môi trường lao động theo quy định của pháp luật;
- Sử dụng nhân lực thực hiện quan trắc môi trường lao động không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật;
- Không duy trì đủ điều kiện hoạt động quan trắc môi trường lao động đã công bố trong suốt quá trình hoạt động.
Lưu ý: theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, theo những quy định nêu trên, nếu doanh nghiệp không tiến hành quan trắc môi trường lao động để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 40 - 80 triệu đồng (mức phạt đối với tổ chức).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hà Nội dành hơn 567 tỷ đồng tặng hơn 1,1 triệu suất quà cho đối tượng chính sách, hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025?
- Thỏa thuận trọng tài được lập trước hay sau khi xảy ra tranh chấp? Thỏa thuận trọng tài qua email có hiệu lực hay không?
- Ngày 10 tháng 12 là ngày gì? Ngày 10 tháng 12 năm nay là ngày bao nhiêu âm lịch? Có phải là ngày nghỉ lễ của người lao động?
- Chậm thực hiện nghĩa vụ là gì? Lãi suất phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền được xác định như thế nào?
- Mẫu phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng từ 1/1/2025 theo Thông tư 52/2024?