Mượn nợ từ năm 2016 nhưng ngưng không thanh toán trả nợ đến nay là 01 năm thì có thể khởi kiện đòi lại tiền không?
Cho họ hàng mượn tiền nhưng không lập văn bản thì có đảm bảo hợp đồng này là hợp đồng vay tài sản hợp pháp không?
Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Về bản chất, cho vay tài sản, tiền là một hình thức giao dịch dân sự. Tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hình thức giao dịch dân sự như sau:
- Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
- Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Vì vậy, thỏa thuận mượn nợ bằng miệng, được xem là hợp đồng vay tài sản hợp pháp.
Pháp luật dân sự hiện hành không quy định hình thức bắt buộc của hợp đồng vay tài sản. Theo đó, giao dịch vay tài sản có thể được thực hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Đòi nợ
Có quyền đòi người mượn tiền trả nợ gốc lẫn lãi không?
Tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
- Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
- Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
+ Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
+ Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo đó, anh bạn có quyền yêu cầu người vay trả số tiền còn thiếu, nếu các bên có thỏa thuận lãi suất được ghi nhận theo quy định pháp luật thì có thể yêu cầu trả tiền lãi đối với khoản vay tương ứng.
Trường hợp người vay kia không trả tiền đã vay tức là đã vi phạm nghĩa vụ của mình thì anh bạn có thể khởi kiện đến tòa án nhân dân quận/huyện nơi người đó đang cư trú để yêu cầu người này thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Khi nộp đơn khởi kiện anh bạn có thể kèm theo giấy chuyển tiền qua ngân hàng để làm căn cứ chứng minh, việc có chứng minh được tồn tại hợp đồng vay tài sản hay không còn phụ thuộc vào lời khai của các bên, lời khai của người làm chứng, bạn cũng có thể thu thập thêm một số chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình.
Mượn nợ từ năm 2016 nhưng ngưng không thanh toán trả nợ đến nay là 01 năm thì có thể khởi kiện đòi lại tiền không?
Theo quy định tại Điều 429 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Theo đó đối với trường hợp khởi kiện đòi nợ, thời hiệu khởi kiện là 3 năm kể từ khi bên vay không thực hiện nghĩa vụ và các bên không có thỏa thuận gia hạn thời hạn cho vay. Kể từ thời điểm bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bên cho vay được cho là có quyền, lợi ích bị xâm phạm và được khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo như thông tin bạn đã cung cấp thì việc người vay anh bạn từ năm 2016 nhưng ngưng không thanh toán cho anh bạn đến nay là 01 năm. Tuy nhiên, tại Điều 157 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự như sau:
- Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:
+ Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
+ Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
+ Các bên đã tự hòa giải với nhau.
- Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Thời hiệu sẽ tính lại từ ngày cuối cùng mà bên kia chuyển tiền trả nợ cho anh bạn. Tính đến nay nếu còn thời hạn thì có thể khởi kiện đòi lại số tiền cả gốc lẫn lãi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cơ sở dữ liệu về các loại tài sản công do cơ quan nào xây dựng? Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công bao gồm cơ sở dữ liệu nào?
- Ngân hàng giám sát là gì? Ngân hàng giám sát được thực hiện lưu ký tài sản của công ty đầu tư chứng khoán không?
- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng là gì? Nội dung quản lý chi phí đầu tư xây dựng bao gồm những gì?
- Thông tin chi tiết trong cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng gồm những gì? Thông tin này có phải là dữ liệu mở?
- Lĩnh vực nông nghiệp của hợp tác xã gồm những ngành nào? Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được phân loại như thế nào?