Muốn tham gia vào tổ hợp tác thì phải được bao nhiêu thành viên đồng ý? Quyền lợi khi trở thành thành viên tổ hợp tác là gì?
Muốn tham gia vào tổ hợp tác thì phải được bao nhiêu thành viên đồng ý?
Căn cứ theo Điều 10 Nghị định 77/2019/NĐ-CP thì thành viên tổ hợp tác sẽ tự thỏa thuận quy trình, điều kiện bổ sung thành viên và ghi vào hợp đồng hợp tác.
Trong trường hợp hợp đồng hợp tác không quy định thì thành viên tổ hợp tác được bổ sung theo quy trình sau:
Quy trình bổ sung thành viên tổ hợp tác
Thành viên tổ hợp tác tự thỏa thuận quy trình, điều kiện bổ sung thành viên và ghi vào hợp đồng hợp tác. Trong trường hợp hợp đồng hợp tác không quy định, thành viên tổ hợp tác được bổ sung theo quy trình sau:
1. Cá nhân, pháp nhân đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 7 của Nghị định này, có nguyện vọng gia nhập tổ hợp tác, viết đơn hoặc thể hiện nguyện vọng trực tiếp với tổ trưởng tổ hợp tác (hoặc người được các thành viên tổ hợp tác ủy quyền).
2. Tổ trưởng tổ hợp tác (hoặc người được các thành viên tổ hợp tác ủy quyền) tổ chức lấy ý kiến thành viên tổ hợp tác, trực tiếp hoặc gián tiếp, về vấn đề bổ sung thành viên tổ hợp tác.
3. Cá nhân, pháp nhân được công nhận tư cách thành viên tổ hợp tác khi được hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng số thành viên tổ hợp tác đồng ý bổ sung và ghi tên vào hợp đồng hợp tác.
Theo đó, điều kiện để bổ sung thêm thành viên tổ hợp tác sẽ do các thành viên tự thỏa thuận với nhau và được quy định cụ thể trong hợp đồng hợp tác. Trường hợp hợp đồng hợp tác không quy định thì để được tham gia vào tổ hợp tác, bạn cần phải được hơn 50% tổng số thành viên tổ hợp tác đồng ý bổ sung và ghi tên vào hợp đồng hợp tác.
Thành viên tổ hợp tác
Muốn trở thành thành viên tổ hợp tác thì cần phải đáp ứng điều kiện gì?
Theo Điều 7 Nghị định 77/2019/NĐ-CP, để trở thành thành viên tổ hợp tác thì bạn cần phải đáp ứng những điều kiện sau đây:
(1) Cá nhân là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự phù hợp theo quy định từ Điều 16 đến Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015, quy định của Bộ luật lao động và pháp luật khác có liên quan.
(2) Tổ chức là pháp nhân Việt Nam, thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, có năng lực pháp luật phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của tổ hợp tác.
(3) Tự nguyện gia nhập và chấp thuận nội dung hợp đồng hợp tác.
(4) Cam kết đóng góp tài sản, công sức theo quy định của hợp đồng hợp tác.
(5) Điều kiện khác theo quy định của hợp đồng hợp tác.
Những quyền lợi khi trở thành thành viên tổ hợp tác?
Căn cứ theo Điều 8 Nghị định 77/2019/NĐ-CP, khi trở thành thành viên tổ hợp tác thì bạn sẽ được hưởng những quyền lợi sau đây:
- Được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động của tổ hợp tác.
- Tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến việc thực hiện hợp đồng hợp tác, quản lý, giám sát hoạt động của tổ hợp tác.
- Rút khỏi tổ hợp tác khi có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng số thành viên tổ hợp tác hoặc theo điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác.
- Các quyền khác theo quy định của hợp đồng hợp tác và pháp luật có liên quan.
Ngoài những quyền lợi nêu trên, khi trở thành thành viên tổ hợp tác bạn cũng cần phải có những nghĩa vụ nhất định, cụ thể là các nghĩa vụ được quy định tại Điều 9 Nghị định 77/2019/NĐ-CP như sau:
- Tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động của tổ hợp tác.
- Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
- Thực hiện các quy định trong hợp đồng hợp tác theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và bảo đảm lợi ích chung của tổ hợp tác.
- Góp đủ và đúng thời hạn tài sản, công sức đã cam kết tại hợp đồng hợp tác.
- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của hợp đồng hợp tác và pháp luật có liên quan.
Tổ hợp tác sẽ có những quyền và nghĩa vụ gì theo quy định hiện nay?
Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 77/2019/NĐ-CP và Điều 6 Nghị định 77/2019/NĐ-CP quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của tổ hợp tác như sau:
Điều 5. Quyền của tổ hợp tác
1. Tổ hợp tác có tên riêng.
2. Tự do hoạt động, kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; được quyền kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
3. Hợp tác kinh doanh với tổ chức, cá nhân để mở rộng hoạt động, sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định của pháp luật có liên quan.
5. Xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự theo quy định của Nghị định này, Điều 508 của Bộ luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.
6. Được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước như các hợp tác xã.
7. Quyền khác theo quy định của hợp đồng hợp tác, Bộ luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.
Điều 6. Nghĩa vụ của tổ hợp tác
1. Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức, cá nhân khác và thành viên.
2. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ đối với nhà nước, người lao động, tổ chức, cá nhân khác và thành viên.
3. Thực hiện các quy định của hợp đồng hợp tác, Bộ luật dân sự và pháp luật có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?