Muốn thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng điều kiện nào? Đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện thủ tục nào?
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập phải đáp ứng điều kiện nào?
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Điều kiện thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định tại Điều 3 Nghị định 143/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 5 Nghị định 140/2018/NĐ-CP, khoản 3 Điều 1 Nghị định 24/2022/NĐ-CP)
- Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam. Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập khi thành lập phải hoạt động theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập do Chính phủ quy định.
- Có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm diện tích đất sử dụng tối thiểu đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp là 1.000 m2; trường trung cấp là 10.000 m2 đối với khu vực đô thị hoặc 20.000 m2 đối với khu vực ngoài đô thị; trường cao đẳng là 20.000 m2 đối với khu vực đô thị hoặc 40.000 m2 đối với khu vực ngoài đô thị.
Trường hợp địa điểm xây dựng cơ sở vật chất của trường trung cấp, trường cao đẳng vừa có diện tích đất sử dụng tại khu vực đô thị vừa có diện tích đất sử dụng tại khu vực ngoài đô thị thì thực hiện quy đổi diện tích đất theo tỷ lệ tương ứng giữa đất khu vực đô thị với đất khu vực ngoài đô thị là 1:2.
- Vốn đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư bằng nguồn vốn hợp pháp, không bao gồm giá trị về đất đai, cụ thể như sau:
+ Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp tối thiểu là 05 tỷ đồng;
+ Đối với trường trung cấp tối thiểu là 50 tỷ đồng;
+ Đối với trường cao đẳng tối thiểu là 100 tỷ đồng.
Ta thấy, việc thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đảm bảo các quy định nêu trên.
Chủ thể nào quyết định thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp?
Căn cứ Điều 7 Nghị định 143/2016/NĐ-CP quy định về thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cho phép thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp tư thục trên địa bàn.
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội quyết định thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập trực thuộc cơ quan, tổ chức mình.
- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thành lập trường cao đẳng công lập, cho phép thành lập trường cao đẳng tư thục.
Căn cứ quy định trên, ta thấy, thẩm quyền thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội và Bộ trưởng Bộ Lao động.
Đổi tên cơ sở giáo dục thực hiện thủ tục như thế nào?
Theo Điều 13 Nghị định 143/2016/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 5 Điều 5 Nghị định 140/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 24/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/06/2022) quy định về việc đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:
- Hồ sơ đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 01 bộ, bao gồm: Văn bản đề nghị đổi tên của cơ quan chủ quản đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; văn bản đề nghị đổi tên của tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc hội đồng quản trị đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục theo Mẫu số 01 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
- Trình tự, thủ tục, thẩm quyền đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc bưu chính hoặc trực tiếp đến cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 8 Nghị định này;
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 8 Nghị định này trình người có thẩm quyền quy định tại điểm c khoản này quyết định đổi tên, cho phép đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Mẫu số 02 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không quyết định đổi tên, cho phép đổi tên thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
+ Người có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định tại Điều 7 Nghị định này thì có quyền quyết định đổi tên, cho phép đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
+ Công khai và gửi quyết định đổi tên, cho phép đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện công khai quyết định đổi tên, cho phép đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên trang thông tin điện tử của cơ quan mình.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định đổi tên, cho phép đổi tên trường cao đẳng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi quyết định đến cơ quan chủ quản của trường cao đẳng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường cao đẳng đặt trụ sở chính hoặc phân hiệu để theo dõi, quản lý.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định đổi tên trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập trực thuộc, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội gửi quyết định đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trung tâm giáo dục nghề nghiệp đặt trụ sở chính, nơi trường trung cấp đặt trụ sở chính hoặc phân hiệu để theo dõi, quản lý.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định đổi tên trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập trực thuộc hoặc quyết định cho phép đổi tên trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp tư thục trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi quyết định đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) để theo dõi, quản lý.
- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi đổi tên được tiếp tục đào tạo các ngành, nghề đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Như vậy, ta thấy việc thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng những điều kiện và theo quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền. Trong quá trình hoạt động, cơ sở giáo dục muốn đổi tên phải thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống có phải tuân thủ về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt không?
- Ngày 8 1 là ngày gì? Ngày 8 1 2025 dương là bao nhiêu âm? Ngày 8 tháng 1 năm 2025 là thứ mấy?
- Bài tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam 9 1 2025? Bài tuyên truyền ngày học sinh sinh viên?
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?