Nam và nữ không đăng ký kết hôn thì mối quan hệ đó có được pháp luật công nhận hay không? Con của họ trong thời gian này có phải con chung hay không?
Nam và nữ không đăng ký kết hôn thì mối quan hệ đó có được pháp luật công nhận hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
"Điều 8. Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Điều 9. Đăng ký kết hôn
1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn."
Theo đó, vợ chồng bạn kết hôn vào năm 2018 và không đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật hiện hành, do đó mối quan hệ vợ chồng của hai bạn không được pháp luật công nhận và không có giá trị về mặt pháp lý.
Bên cạnh đó tại khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng có quy định:
"Điều 14. Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.
2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn."
Như vậy, việc bạn và chồng cưới nhau nhưng không đăng ký kết hôn thì bạn sẽ không phải là vợ hợp pháp của chồng bạn và sẽ không phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
Nam và nữ không đăng ký kết hôn thì mối quan hệ đó có được pháp luật công nhận hay không? (Hình từ Internet)
Nam nữ sống chung mà không đăng ký kết hôn thì con của họ trong thời gian này có phải con chung hay không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:
"Điều 68. Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con
1. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ.
2. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
3. Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật nuôi con nuôi, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
4. Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình."
Theo đó, con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được.
Cho nên, vấn đề không đăng ký kết hôn không làm ảnh hưởng đến con của vợ chồng bạn cho nên đứa bé vẫn là con chung của hai người.
Nam và nữ không đăng ký kết hôn thì có được quyền yêu cầu chia di sản hay không?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:
“Điều 69. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ
...
3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
...”
(Bạn sinh con năm 2019, do đó đến nay con bạn được xem là người chưa thành niên, tức là người chưa đủ mười tám tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015)
Bên cạnh đó, tại Điều 55 Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định:
“Điều 55. Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ chưa đủ mười lăm tuổi
1. Chăm sóc, giáo dục người được giám hộ.
2. Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người chưa đủ mười lăm tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
3. Quản lý tài sản của người được giám hộ.
4. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.”
Mặt khác, tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; [...]”
Do đó, bạn có quyền giúp con mình thực hiện quyền yêu cầu chia di sản thừa kế để bảo về quyền, lợi ích hợp pháp theo các quy định trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mã QR là gì? Mức phạt hành chính tội đánh tráo mã QR để chiếm đoạt tiền của người khác là bao nhiêu?
- Cán bộ công chức có phải thực hiện kê khai tài sản, tài khoản ở nước ngoài của vợ/chồng hay không?
- Được ủy quyền lại hợp đồng ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai hay không theo quy định pháp luật?
- Nguyên tắc tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Thông tư 74/2024 thế nào?
- Cơ sở dữ liệu về các loại tài sản công do cơ quan nào xây dựng? Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công bao gồm cơ sở dữ liệu nào?