Nếu di chúc đã lập bị mất thì di chúc đó có còn hiệu lực không? Chỉ có bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật đúng không?
Nếu di chúc đã lập bị mất thì di chúc đó có còn hiệu lực không?
Căn cứ theo Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người để lại di sản thừa kế chết. Như vậy, nếu di chúc lập xong mà bị mất thì sẽ có hai trường hợp xảy ra.
Trường hợp 1: Di chúc bị mất trước thời điểm mở thừa kế
Đối với trường hợp này, trước thời điểm mở thừa kế nghĩa là lúc này người để lại di chúc vẫn còn sống. Khi đó, người để lại di chúc hoàn toàn có thể lập một bản di chúc mới thay thế cho bản di chúc đã bị thất lạc trước đó.
Bởi tại khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng mới có hiệu lực.
Trường hợp 2: Di chúc bị mất sau thời điểm mở thừa kế
Kể từ thời điểm mở thừa kế, di chúc bị mất và không được tìm thấy, cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật. Lúc này, pháp luật không căn cứ vào di chúc để phân chia di sản thừa kế mà sẽ chia thừa kế theo pháp luật.
Nếu chưa chia thừa kế mà tìm thấy bản di chúc đã thất lạc thì sẽ chia thừa kế theo di chúc. Lúc này, di chúc vẫn còn nguyên hiệu lực.
Ngoài ra, nếu đã chia thừa kế theo pháp luật mà trong thời hiệu yêu cầu chia thừa kế (30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản theo Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015) lại tìm thấy bản di chúc đã bị thất lạc, người thừa kế theo di chúc có yêu cầu chia theo di chúc thì phải chia lại thừa kế theo di chúc.
Ngược lại, vẫn trong trường hợp này nhưng người được hưởng di sản theo di chúc không có yêu cầu chia thừa kế lại như trong di chúc thì không phải chia thừa kế lại.
Như vậy, thời điểm tìm thấy bản di chúc đã thất lạc, di chúc vẫn còn hiệu lực. Nhưng bởi không có yêu cầu chia thừa kế lại nên nội dung được thể hiện trong di chúc mới không được thực hiện.
Tóm lại, để xác định hiệu lực của di chúc trong trường hợp bị thất lạc thì căn cứ vào nhiều yếu tố chứ không mặc định cho rằng mất di chúc là di chúc đó hết hiệu lực.
Nếu di chúc đã lập bị mất thì di chúc đó có còn hiệu lực không? (Hình từ Internet)
Chỉ có bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật đúng không?
Một bản di chúc được coi là hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015:
- Người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình lập di chúc;
- Nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, phải có các nội dung: Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; di sản để lại và nơi có di sản…
- Hình thức của di chúc không trái quy định của luật: Không được viết tắt, viết bằng ký hiệu; Nếu có nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc…
Đồng thời, Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế hay là thời điểm người để lại di chúc chết. Đồng nghĩa di chúc sẽ không có hiệu lực trong các trường hợp sau:
- Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di chúc;
- Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm người này chết;
- Di sản trong di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
Đặc biệt: Di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực. Đồng thời, nếu một người để lại nhiều bản di chúc với 01 tài sản thì chỉ có bản di chúc sau cùng mới có hiệu lực.
Như vậy, theo quy định nêu trên, dù có nhiều bản di chúc nhưng chỉ có bản di chúc hợp pháp cuối cùng của người đó mới có hiệu lực.
Có thể hủy bỏ di chúc đã lập không?
Di chúc được lập khi người để lại tài sản minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc và được lập thành văn bản, nếu không thể lập thành văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
Đồng thời, di chúc là ý chí của một người khi muốn để lại tài sản của mình cho người khác sau khi bản thân chết. Nên đây chính là ý chí chủ quan của người để lại di sản.
Do đó, nếu tại các thời điểm khác nhau, người để lại di sản thay đổi mong muốn thì hoàn toàn có quyền thay thế di chúc khác.
Ngoài ra, Điều 640 Bộ luật Dân sự 2015 nói rõ:
Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
Như vậy, pháp luật không cấm việc thay đổi di chúc mới nên người để lại di chúc hoàn toàn có quyền hủy bỏ di chúc đã lập trước đó.
Lưu ý: Bản di chúc mới cũng phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một bản di chúc hợp pháp và trong trường hợp người lập di chúc thay thế bằng bản di chúc mới thì di chúc cũ phải bị hủy bỏ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Dự thảo Nghị định giảm thuế GTGT 2% từ 1/1/2025 đến hết 30/6/2025? Danh mục hàng hóa được giảm thuế GTGT 2025?
- Vật dụng trên phương tiện vận tải gồm những gì? Hàng hóa là vật dụng trên phương tiện vận tải phải làm thủ tục hải quan?
- Quân luật là gì? Thiết quân luật tiếng Hàn là gì? Ai đề nghị ra lệnh thiết quân luật tại Việt Nam?
- Mẫu báo cáo đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2025 2027 các cấp mới nhất? Mẫu báo cáo đại hội chi bộ nhiệm kỳ 25 27 trường học?
- Xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan là gì? Quy định về xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan?