Ngày 3 tháng 2 có phải một ngày lễ lớn của đất nước? Người lao động có được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày 3 tháng 2 không?
Ngày 3 tháng 2 có phải một ngày lễ lớn của đất nước hay không?
Ngày 03/02/1930 là ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo Điều 4 Nghị định 145/2013/NĐ-CP, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong 8 ngày lễ lớn của nước ta.
Theo đó, từ ngày 03/02/1930 đến ngày 07/02/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản họp ở bán đảo Cửu Long, thuộc Hong Kong (Trung Quốc) đã quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản ở nước ta thành một Đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, xoá bỏ chế độ thực dân, phong kiến, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc.
Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.
Ngày 3 tháng 2 là ngày gì? Người lao động có được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày 3 tháng 2 không? (Hình từ Internet)
Người lao động có được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày 3 tháng 2 không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 về nghỉ lễ, tết như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
...
Theo đó, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3 tháng 2 không phải là một ngày lễ mà người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên người lao động vẫn có thể nghỉ làm việc hưởng nguyên lương trong ngày này nếu quy chế công ty có quy định hay có sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương.
Ngoài ra, trong trường hợp người lao động nghỉ phép năm theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 hay nghỉ việc riêng theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 mà trùng với kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thì vẫn có thể nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương.
Công ty không cho người lao động nghỉ làm việc vào ngày 3 tháng 2 có bị phạt?
Như đã phân tích, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3 tháng 2 không phải là một ngày lễ mà người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương nên công ty sẽ không bị phạt khi không cho người lao động nghỉ làm việc trong ngày này.
Tuy nhiên, trường hợp người lao động nghỉ phép năm theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 hay nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 trùng với kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đã thực hiện thủ tục xin nghỉ phép đúng theo quy định, quy chế nhưng công ty không cho người lao động nghỉ làm việc thì có thể bị phạt hành chính theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Theo đó, hành vi không đảm bảo cho người lao động nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP:
Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;
...
Bên cạnh đó căn cứ khoản 2 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP cũng có quy định về chế tài xử phạt hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng năm:
Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
...
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
Đồng thời theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo đó, công ty có thể bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu không cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương và có thể bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu không cho người lao động nghỉ phép năm theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bài tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam 9 1 2025? Bài tuyên truyền ngày học sinh sinh viên?
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?