Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ? Có được liên doanh để tiến hành hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ?
Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ là gì?
Căn cứ vào Điều 45 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định các loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ hiện nay bao gồm:
- Môi giới chuyển giao công nghệ:
- Tư vấn chuyển giao công nghệ.
- Đánh giá công nghệ.
- Thẩm định giá công nghệ.
- Giám định công nghệ.
- Xúc tiến chuyển giao công nghệ.
Theo đó, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ được quy định tại Điều 47 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 11 Điều 73 Luật Giá 2023) như sau:
- Thực hiện hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ đã giao kết;
- Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ của mình;
- Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho bên sử dụng dịch vụ chuyển giao công nghệ;
- Bảo quản, giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu, phương tiện được giao sau khi hoàn thành dịch vụ theo thỏa thuận;
- Thông báo kịp thời cho bên sử dụng dịch vụ về thông tin, tài liệu không đủ để hoàn thành dịch vụ;
- Giữ bí mật thông tin theo thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ;
- Thực hiện nghĩa vụ về tài chính, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài nghĩa vụ nêu trên thì, tổ chức đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ còn có nghĩa vụ sau đây:
- Đăng ký đáp ứng điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ theo quy định của pháp luật;
- Hằng năm, gửi báo cáo kết quả hoạt động đánh giá, giám định công nghệ tới cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ? Có được liên doanh để tiến hành hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ? (Hình từ Internet)
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ có được liên doanh để tiến hành hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ?
Căn cứ vào Điều 46 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 có quy định như sau:
Quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu người sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc cung ứng dịch vụ chuyển giao công nghệ;
b) Hưởng thu nhập từ kinh doanh dịch vụ và lợi ích khác từ việc cung ứng dịch vụ chuyển giao công nghệ theo thỏa thuận;
c) Sử dụng cộng tác viên, chuyên gia phục vụ hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ;
d) Hưởng quyền sử dụng cơ sở dữ liệu về công nghệ theo quy định của pháp luật;
đ) Yêu cầu người sử dụng dịch vụ bồi thường thiệt hại do lỗi của người sử dụng dịch vụ gây ra;
e) Hợp tác, liên doanh với tổ chức, cá nhân để tiến hành hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ;
g) Tham gia hội nghề nghiệp trong nước, quốc tế theo quy định của pháp luật;
h) Các quyền khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
2. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động môi giới, tư vấn, xúc tiến chuyển giao công nghệ có các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và được hưởng lợi nhuận từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Như vậy, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ được quyền liên doanh với tổ chức, cá nhân để tiến hành hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ.
Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ là gì?
Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ được quy định tại Điều 3 Luật Chuyển giao công nghệ 2017, cụ thể:
(1) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm; nâng cao trình độ, tiềm lực công nghệ quốc gia nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội.
(2) Đa dạng hóa hình thức, phương thức chuyển giao công nghệ; khuyến khích chuyển giao công nghệ từ nhiều nguồn khác nhau.
(3) Ưu tiên chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực, công nghệ phục vụ quốc phòng, an ninh từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong nước;
Bố trí nguồn lực đầu tư cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn; chú trọng hoạt động chuyển giao công nghệ cho địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
(4) Hỗ trợ ý tưởng công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, liên kết giữa tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất;
Chú trọng thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước; phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ.
(5) Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; khuyến khích chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước;
Chú trọng lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước; thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân.
(6) Ngăn chặn, loại bỏ công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng xấu đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, sức khỏe con người.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?
- Hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu theo Thông tư 80? Tải về tài liệu hồ sơ hoàn thuế?